(TG)-Theo đồng chí
Phan Phương Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam, trước yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới,
đặc biệt là trong quá trình Việt Nam ký kết, thực thi các hiệp định
thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, đòi
hỏi các cấp công đoàn phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức
hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng công đoàn cơ sở vững
mạnh, đóng góp ngày càng tích cực hơn vào thành quả hoạt động của công
đoàn.
Từ ngày 20 đến 22-7, tại Quảng Ninh, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ công đoàn năm 2016.
Tham dự Hội nghị tập huấn, có các đồng chí: Trịnh Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Phan Phương Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam và hơn 200 cán bộ công đoàn chủ chốt là các đồng chí Chủ tịch, phó Chủ tịch và cán bộ công đoàn chuyên trách của Công đoàn viên chức, cán bộ làm công tác văn phòng, nữ công, tổ chức, chính sách pháp luật của công đoàn tại các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Phương Hạnh nhấn mạnh, trước yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới, đặc biệt là trong quá trình Việt Nam ký kết, thực thi các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, đòi hỏi các cấp công đoàn phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đóng góp ngày càng tích cực hơn vào thành quả hoạt động của công đoàn. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ, năng lực, nhanh nhạy với cơ chế mới, có nội dung, phương thức hoạt động khoa học, bảo vệ được lợi ích của người lao động là yêu cầu đặt ra hết sức cần thiết, có ý nghĩa quyết định đến nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn.
Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn này với mong muốn bổ sung kiến thức, trao đổi nghiệp vụ công tác công đoàn nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ công đoàn tại các cơ quan, đơn vị có thêm cơ sở để vận dụng vào thực tiễn và rút ra được những kinh nghiệm sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.
Đồng chí Phan Phương Hạnh cũng mong muốn, các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung theo dõi, tiếp thu, tích cực trao đổi, thảo luận để nắm bắt các vấn đề thật chắc, thật kỹ để sau khi Hội nghị kết thúc, mỗi đại biểu có thể áp dụng ngay những kiến thức, những hiểu biết đã được trao đổi, học hỏi tại Hội nghị này vào thực tiễn hoạt động công đoàn của cơ quan, đơn vị mình.
|
Đại biểu tham dự tập huấn
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các đồng chí giảng viên trao đổi một số nội dung như: Công tác văn phòng; công tác nữ công và công tác tổ chức; Các nội dung chính và giải pháp thực hiện kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ; Nội dung cơ bản của Nghị định 4/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 về thực hiện đân chủ trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 01/2016/TT-BNN ngày 13/1/2016 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 4.
Về công tác văn phòng, các đại biểu đã được nghe các nội dung như công tác biên tập văn bản, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và biên soạn báo cáo tổng hợp trong hoạt động của công đoàn. Kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị tư liệu và biên soạn báo cáo của các cấp công đoàn tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như: phương pháp tập hợp tư liệu, phương pháp xử lý thông tin và thẩm định thông tin, phương pháp biên tập báo cáo. Các đại biểu cũng được tìm hiểu về hình thức văn bản và thẩm quyền ban hành văn bản hình thành trong quá trình hoạt động của các cấp công đoàn. Ban , đơn vị soạn thảo và ban hành văn bản phải đảm bảo nội dung và hình thức, thể thức van bản theo quy định của Nhà nước, Tổng Liên đoàn và phải đúng thẩm quyền. Căn cứ vào vấn đề cần ra văn bản để lựa chnon hình thức thích hợp. Trường hợp cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản pháp quy thì phải sử dụng hình thức văn bản pháp quy tương ứng (Nghị quyết, quyết định, Chỉ thị…). Nội dung các quy định trong văn bản của cơ quan cấp dưới không được trái với các quy định của cơ quan cấp trên.
Trao đổi về công tác vận động nữ công nhân, viên chức lao động của tổ chức công đoàn, đồng chí Trịnh Thanh Hằng nhấn mạnh, nữ công nhân, viên chức lao động là bộ phận quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đối tượng vận động của tổ chức công đoàn. Công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật. Cần quan tâm kiện toàn và chỉ đạo hoạt động của Ban Nữ công quần chúng để làm tốt việc tham mưu cho Ban Chấp hành công đoàn trong công tác vận động nữ công nhân, viên chức lao động; chú trọng vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, nữ công, tập trun và nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các chị em; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan tới lao động nữ và trẻ em; tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động thiết thực, có chiều sâu, bảo đảm tính hiệu quả thu hút đông đảo các chị em tham gia, quan tâm lồng ghép giới, bình đẳng giới trong các hoạt động công đoàn.
Thông qua Hôi nghị tập huấn, các đại biểu tham dự đã được nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ và kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ công đoàn; trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức hoạt động của phong trào, góp phần chăm lo, bảo vệ đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên. Đây là một công việc thường xuyên cần thiết nhằm cung cấp những thông tin mới nhất đáp ứng yêu cầu của các cấp công đoàn. Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công đoàn.
Bảo Châu