Theo đó, đối tượng áp dụng là
công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tài khoản
định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý
lịch tư pháp qua ứng dụng này.
Cụ thể, Thành phố hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của các đối tượng quy
định của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy
định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC, ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính
quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông
tin lý lịch tư pháp.
Thành phố Hà Nội hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh
viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm: cha đẻ, mẹ
đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng
liệt sỹ) với mức 100.000 đồng/lần/người; các đối tượng khác với mức
200.000 đồng/lần/người.
Trường hợp đối tượng quy định của Nghị quyết này
có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch
tư pháp trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000
đồng/lần/người (tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp). Kinh phí được bố
trí từ nguồn ngân sách thành phố giao Sở Tư pháp.
Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố, từ năm
2021 - 2023, thành phố Hà Nội đã cấp khoảng 222.500 phiếu lý lịch tư
pháp. Trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp tiếp nhận trên 500 yêu cầu cấp
phiếu lý lịch tư pháp của công dân, tổ chức.
Nghị quyết ban hành và đi
vào cuộc sống sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục
thu nộp phí, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý
lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng
dịch vụ công thành phố trên địa bàn.
Theo đề xuất của Ban Pháp chế HĐND thành phố, sau khi Nghị quyết được
thông qua, đề nghị UBND thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền,
thông tin về chính sách mới đến nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả thực
hiện.
UBND thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan
liên quan xây dựng hướng dẫn công dân thông qua các video clip trực
quan đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời tuyên truyền trên hệ thống
các cơ quan thông tấn báo chí, qua các kênh thông tin của thành phố,
mạng xã hội để người dân hiểu và thực hiện. Qua đó, góp phần minh bạch
thông tin về chính sách mới để người dân thực hiện và giám sát việc thực
hiện của các cơ quan Nhà nước của thành phố.
UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện rà soát,
hoàn thiện ngay hệ thống kỹ thuật, phần mềm có liên quan đến quy trình
giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo thông suốt ngay từ khi Nghị
quyết có hiệu lực. Từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người
dân khi thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng hiệu quả, đúng quy định
của ngân sách thành phố.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về chấp thuận
việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày
4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định giá dịch vụ giáo dục tạm
thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục
phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của thành phố đến hết năm học 2025 -
2026.
Trong thời gian thực hiện Nghị quyết, trường hợp Trung ương có
văn bản mới sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế dẫn tới Nghị quyết của HĐND
thành phố không còn phù hợp, UBND thành phố trình HĐND thành phố điều
chỉnh theo quy định./.
TTXVN