Chiều 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối
hợp cùng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Bộ Thông tin và Truyền
thông tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.
Hội nghị được kết nối trực
tuyến đến điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố. Tham dự Hội nghị có
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban
Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả
bước đầu ngành nông nghiệp đã đạt được trong chuyển đổi số và cho rằng,
ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính;
tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời, phát triển hạ tầng
số để các cơ sở dữ liệu có sự kết nối đồng bộ, tạo sự thuận lợi nhất cho
nông dân, doanh nghiệp. Những ứng dụng đến với nông dân phải thật đơn
giản, dễ hiểu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các doanh nghiệp hàng đầu về công
nghệ thông tin phải làm vai trò đầu mối trên cơ sở ngành nông nghiệp
cung cấp thông tin, dữ liệu. Ngành nông nghiệp phối hợp với Bộ Công an
đẩy nhanh việc định danh hệ thống tàu thuyền để góp phần chống khai thác
hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành nông nghiệp chủ động
triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực
tiễn như: trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào
hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Những ứng dụng công
nghệ số giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý,
giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh
bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, giúp tăng năng
suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ
đã tích cực làm việc với các bộ, ngành để đưa các ứng dụng công nghệ số
vào lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ viễn thám, cổng truy xuất nguồn
gốc nông sản trên nền tảng số, nhận diện, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc
trong chính sách hợp tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng...; giới
thiệu, trao đổi về các yêu cầu, quy chuẩn mới, các kênh thương mại điện
tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản.
Để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả, theo đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông
nghiệp, nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng
cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu
lớn của ngành. Qua đó, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống
cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất,
đồng bộ.
Thời gian qua, các đơn vị của Bộ thường xuyên cập nhật và vận hành hệ
thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp,
thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai... với nhiều chuyển biến tích
cực.
Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến
địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Đó là:
nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia
sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà
khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ,
hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ…
Chia sẻ về giải pháp, đồng chí Dương Trọng Hải, đại diện VNPT cho rằng, để
ứng dụng, phát triển nông nghiệp số không phải là vấn đề đầu tư cho
doanh nghiệp công nghệ mà đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu
sẵn sàng số hóa. Doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt hợp tác xã, nông dân chuyển
đổi số, khi đó sẽ tạo thành thị trường số.
“Chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là dữ liệu số, chuyên môn hóa.
Chính sách cần hỗ trợ vào doanh nghiệp đầu chuỗi. Hiện đang có khoảng
20.000 hợp tác xã nông nghiệp, VNPT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các
hợp tác xã”, đồng chí Dương Trọng Hải nêu.
Ghi nhận những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, đồng chí Nguyễn Hoài Nam,
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho
biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 -
25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu
doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó
khăn đi rất nhiều.
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Nam, các doanh nghiệp thủy sản có sự ứng dụng số
hóa không đồng đều và có thể phân thành 3 cấp: sơ khai; tự đầu tư trên
góc độ tự quản trị và đầu tư khá bài bản. Với doanh nghiệp đầu tư bài
bản, họ có thể nắm được mọi thông số trong quản trị. Chẳng hạn khi gặp
các cuộc thanh kiểm tra, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự tin
đáp ứng các yêu cầu.
Đồng chí Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản
Việt Nam cũng chia sẻ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, hay sắp tới là
Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU…, công nghệ số sẽ giúp ngành chứng
minh điều đó. Khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu
thế giới, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cuộc điều tra về thuế,
gỗ hợp pháp.... Nếu doanh nghiệp ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong
vận hành sản xuất, quản lý doanh nghiệp thì sẽ vượt qua được các “hàng
rào” của các thị trường./.
TTXVN