Dự kiến trong tháng 4/2013, Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của thành phố Hà Nội sẽ thành lập tổ công tác và đường dây nóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai các cơ chế chính sách tháo
gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn
Thế Thảo.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ - CP và
Nghị quyết 02/NQ - CP ngày 07/01/2013, Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động
nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, hội nghị hôm nay rất quan trọng để
các doanh nghiệp thẳng thắn đóng góp những ý kiến nhằm triển khai thực hiện hiệu
quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, UBND thành phố
Hà Nội sẽ dành 50 tỷ cho công tác xúc tiến thương mại tạo điểu kiện cho các
doanh nghiệp đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;
triển khai có hiệu quả Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn;
hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh
cá thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
của các làng nghề trên địa bàn…
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp của Hà Nội, gói 50 tỷ xúc
tiến thương mại là chính sách cụ thể và thiết thực của UBND thành phố. Theo ông
Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và
Xuất nhập khẩu (Aprocimex), để giải quyết được những khó khăn cho doanh nghiệp
thì 50 tỷ không lớn nhưng đây là điều rất đáng trân trọng với doanh nghiệp trong
bối cảnh khó khăn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị, trong giải pháp tháo gỡ
khóa khăn cho doanh nghiệp, thành phố cần quan tâm đến kích cầu đầu ra, đẩy mạnh
các chương trình xúc tiến thương mại trong nước.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thành phố cần tổ chức nhiều
cuộc đối thoại như hội nghị này để các doanh nghiệp có thể đóng góp các
ý kiến, đồng thời đánh giá kết quả các giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh
nghiệp để nâng cao hơn nữa niềm tin của các doanh nghiệp với chính quyền.
Đóng góp ý kiến vào các cơ chế chính sách, các doanh nghiệp cho
biết tiếp cận nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển nói, quỹ bảo lãnh tín
dụng qui định phải có tài sản bảo đảm nhưng hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa
không có tài sản thế chấp. Nếu có tài sản, thậm chí các doanh nghiệp này đã có
thể đến vay của ngân hàng mà không cần thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng.
Ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm 2012, thành phố đã không thu
13.000 tỷ đồng tiền thuế của các doanh nghiệp và năm nay tiếp tục triển khai các
giải pháp về lãi suất, các cấp ban, ngành, đơn vị cần triển khai khẩn trương,
hiệu quả.
Để xử lý 5.789 căn hộ đang tồn đọng, Hà Nội sẽ tiếp nhận xem
xét đề nghị của chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở
tái định cư, nhà ở công vụ; điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản,
điều chỉnh tiêu chuẩn định mức các căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện
tích nhỏ, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm.
Tuy nhiên ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, chính quyền tích cực
hỗ trợ là một mặt, còn mặt khác các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm đầu
ra, tăng cường hợp tác.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng
cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành các
quy hoạch ngành lĩnh vực, quy hoạch phân khu, các cơ chế chính sách đồng bộ,
đồng thời tăng cường cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ công
dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giảm chi phí
của doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh và trong việc thực hiện các quy định của
nhà nước...
Dự kiến trong tháng 4/2013, Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp sẽ thành lập tổ công tác và đường dây nóng tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp./.
Việt Hà (VGP)