PV: Thưa ông, lần mở rộng địa giới hành chính Hà Nội gần đây nhất vào năm 2008 đã tạo ra không gian mới cho Hà Nội phát triển. Ông đánh giá như thế nào về việc mở rộng đó?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào năm 2008 có vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn về nhiều mặt đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội lâu dài.
Trước đó, dự án mở rộng Thủ đô Hà Nội đã được đặt ra từ nhiều năm, nhiều ý kiến chuyên gia thảo luận sôi nổi, nhiều chiều.
Lúc đầu, số người đồng tình không nhiều, nhất là với quyết định mở rộng, hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Quy mô mở rộng, hợp nhất khá lớn. Sự cân nhắc và tính toán việc mở rộng phải bắt nguồn từ một tầm nhìn dài hạn mới có thể thấu hiểu, chia sẻ, nhất trí với sự mở rộng hợp nhất Thủ đô Hà Nội từ năm 2008.
Kinh nghiệm, bài học của nhiều tỉnh, thành phố đã hợp nhất trước đó, nói chung suôn sẻ thì ít, vướng mắc thì nhiều. Tâm lý chung, khi nói đến hợp nhất, thì dư luận xã hội khó đồng tình. Do vậy, thời điểm hợp nhất bao trùm sự lo lắng, trăn trở, băn khoăn với trách nhiệm, công việc mới của số đông tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Đề án mở rộng Thủ đô Hà Nội là định hướng xây dựng Thủ đô của Việt Nam, trong tương lai với 100 triệu dân. Lúc bấy giờ, Thủ đô Hà Nội chỉ có 94 km2, dân số khoảng 5 triệu người. Điều này không tương xứng với tầm vóc Thủ đô của đất nước trên 100 triệu dân trong tương lai. Muốn xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trước hết phải có không gian đủ lớn để triển khai xây dựng các mục tiêu về văn minh, hiện đại.
Ngoài việc là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, Thủ đô còn là trung tâm về văn hóa, kinh tế, giao lưu, hợp tác quốc tế. Đồng thời, phải có công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tài chính ngân hàng, các trường đại học và các bệnh viện hiện đại. Hà Nội sau khi mở rộng đến nay, và trong tương lai, là một cơ thể thống nhất cả về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa. Về không gian mở rộng, Thủ đô vừa có đô thị, nông thôn, vừa phát triển môi trường toàn diện...
Khó khăn lớn nhất là tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi hợp nhất. Việc tổ chức bộ máy thành công trước hết phải có định hướng đúng.
Việc hợp nhất là cần thiết vì lợi ích chung của đất nước chứ không phải lợi ích của Thủ đô Hà Nội. Quốc hội đã biểu quyết thống nhất, TP Hà Nội phải tổ chức thực hiện. Khó khăn lúc đó lớn, nhưng nhờ quyết tâm cao, sự đồng thuận của nhân dân, nên sau hợp nhất, địa bàn nông thôn Hà Tây cũ phát triển nhanh gấp nhiều lần và ngược lại Thủ đô Hà Nội cũng mới có không gian để triển khai phát triển.
PV: Khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, ông ấn tượng nhất vấn đề gì?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Chủ trương mở rộng Hà Nội là đúng và cần thiết. Cảm nhận nổi bật và bao trùm lúc đó là áp lực công việc vừa lớn, khó, vừa mới mẻ. Hai Ban chấp hành của Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây hợp nhất thành một, hai HĐND giờ hợp nhất còn một. Do đó, phải quản lý, phân công, phân nhiệm, đảm bảo số lượng lãnh đạo, giải quyết chế độ chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ cho cán bộ, người lao động... Nếu tổ chức mà bố trí cán bộ không đúng, không hợp tình, hợp lý, công bằng, dân chủ, sẽ không ai dám làm việc.
Song, với tinh thần "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", Hà Nội đã vượt qua những khó khăn này. Đến nay, bằng chứng thuyết phục nhất về hiệu quả của việc hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh... ngày càng khởi sắc.
PV: Hiện Hà Nội đang triển khai, thực hiện quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050? Từng là Bí thư của Hà Nội, ông có đóng góp ý kiến nào để Hà Nội phát triển xứng tầm?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, hoặc như Bác Hồ mong ước là ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, là định hướng khách quan, tất yếu của Thủ đô. Cho nên, yêu cầu xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện cả về văn hóa, kinh tế, giáo dục và về mọi mặt là yêu cầu tất yếu.
Không chỉ riêng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội phải làm tốt nhiệm vụ chính trị đó, mà các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước với Hà Nội", cần tăng cường đoàn kết, hợp tác, tập trung nguồn lực.
Thời gian tới, Hà Nội nhất định phải xây thêm một số cầu bắc qua sông Hồng và cần có những công trình tiêu biểu về kinh tế, văn hóa, thương mại, giao thông… Trong đó, có những chương trình là Hà Nội hỗ trợ cho ngân sách Trung ương, nhưng cũng có những chương trình cả nước tập trung ưu tiên cho Hà Nội.
Hà Nội vừa có trách nhiệm đi trước nêu gương, nhưng cũng vừa có nghĩa vụ, trách nhiệm vì cả nước, với cả nước và ngược lại.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
TTXVN (baotintuc.vn)