(TG) - Sáng 17/10, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Trước đó, ngày 8/10/2016, Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành của vi rút Zika, với 5 trường hợp mắc bệnh được phát hiện.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước nên nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập là rất lớn, trong khi đó trên địa bàn thành phố dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tích cực giám sát dịch để phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng, tại cơ sở y tế.
Để chủ động phòng bệnh, hạn chế thấp nhất tác động do dịch bệnh gây ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt, tập trung thực hiện các biện pháp tăng cường triển khai các biện pháp chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn, trong đó đẩy mạnh giám sát khách du lịch, hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng có dịch; tăng cường giám sát vi rút Zika và sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng; tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ. Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật, đánh giá nguy cơ một cách chính xác để chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố; chuẩn bị tốt công tác cấp cứu, cơ số thuốc điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.
Nhằm phát hiện sớm, chủ động phòng tránh dịch bệnh vi rút Zika, sẵn sàng đáp ứng nếu xảy ra dịch, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra, Sở Y tế yêu cầu các phòng khám sản khoa, khoa sản, khoa nhi sơ sinh chú ý khám sàng lọc, chăm sóc, quản lý thai, khám thai, phát hiện sớm các ca có triệu chứng phát ban, sốt, đau mỏi cơ, khớp, đau mắt đỏ hoặc siêu âm nghi ngờ có đầu nhỏ, đặc biệt là những đối tượng đi, đến, hoặc đi qua vùng có vi rút Zika lưu hành; thực hiện nghiêm túc việc đo và ghi chép vòng đầu cho tất cả các trẻ sơ sinh vào sổ sách, hồ sơ bệnh án.
Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ nhiễm vi rút Zika hoặc siêu âm nghi ngờ có đầu nhỏ, hoặc phát hiện trẻ sơ sinh có chứng đầu nhỏ thì liên hệ để Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lấy mẫu thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán, có biện pháp xử lý kịp thời và tiến hành thu thập thông tin về người phụ nữ mang thai và thông tin về bà mẹ, trẻ sơ sinh gửi Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập huấn hoặc phổ biến về sàng lọc trước sinh, phát hiện hội chứng đầu nhỏ cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các tuyến.../.
Đỗ Tuấn Anh