Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 3-10, ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Phần lớn cán bộ, đảng viên, nhân dân đều tán thành với chủ trương này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về cách thức triển khai, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để chỉ thị thật sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là vấn đề được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể của thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong các phong trào thi đua của thành phố như phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa', 'Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch' đều nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tổ chức việc cưới theo tinh thần trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm. Một số địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả như quận Hà Ðông có phong trào cưới '40 mâm'. Một số địa phương khác khuyến khích nhân dân tổ chức tiệc ngọt, hạn chế tổ chức cỗ bàn... Tuy nhiên, cũng do các phong trào này chủ yếu mới dừng ở việc vận động, việc thực hiện chưa kiên quyết, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên và chưa có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm, cho nên hiệu quả còn hạn chế. Ở khu vực đô thị, vẫn còn khá phổ biến những đám cưới tổ chức ở khách sạn sang trọng, với hàng nghìn khách mời. Còn ở các huyện ngoại thành, những đám cưới vài trăm mâm, tổ chức ăn uống mấy ngày liền không phải chuyện hiếm. Những 'siêu đám cưới' này có nguyên nhân do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu còn nặng nề, từ quan niệm 'trả nợ miệng' lẫn nhau. Càng đáng lo ngại hơn khi một số đám cưới linh đình, xa hoa lại thuộc về các gia đình cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của thành phố. Không ít trường hợp đám cưới được các gia chủ 'thương mại hóa', đầy tính chất vụ lợi. Những đám cưới như vậy không chỉ gây lãng phí tiền của, mà còn gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng không tốt đến uy tín cán bộ, đảng viên.
Trước thực tế này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU 'Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội', yêu cầu các cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chấp hành và gương mẫu trong thực hiện tổ chức cưới cho bản thân và người thân theo các tiêu chí được quy định cụ thể như: số lượng khách mời không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người); không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, không mời khách trong giờ làm việc. Nhất là không tổ chức tiệc ở những nơi quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức như khách sạn năm sao, khu du lịch cao cấp, v.v. Khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc.
Bác Ðỗ Thị Thục, ở ngõ 23 phố Quan Nhân (quận Thanh Xuân) cho biết: 'Thành phố quy định cụ thể như vậy là cần thiết, vì các quy định trước đây thường chỉ nêu chung chung là nên hạn chế cỗ, chứ không quy định cụ thể thế nào, cho nên nhiều người đã lợi dụng kẽ hở này để 'lách' quy định. Với chỉ thị này, những cán bộ, đảng viên chắc chắn sẽ không thể 'làm ngơ', cố tình vi phạm, bởi đã có sự giám sát của dư luận, của cộng đồng'. Bạn Nguyễn Xuân Tài, 27 tuổi, ở số 6, ngách 7, ngõ 118, phố Trương Ðịnh (quận Hai Bà Trưng) tán thành: 'Em chuẩn bị kết hôn, cho nên rất lo lắng về các khoản chi phí, nhất là chi phí tổ chức tiệc cưới. Em thấy nhiều gia đình kinh tế không khá giả gì, nhưng nhiều khi vì áp lực của xã hội, cho nên dù không muốn vẫn phải làm cỗ cưới thật to, khiến chẳng những gia chủ khổ sở, mà người được mời cũng sợ, vì chi phí quá tốn kém. Khi biết thông tin thành phố Hà Nội có Chỉ thị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, trong đó có những quy định khá cụ thể như không làm quá 50 mâm, với 300 khách, gia đình em rất mừng. Chúng em có điều kiện để tích lũy, chuẩn bị cho cuộc sống tương lai tốt hơn'.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán thành, ủng hộ chủ trương này, có không ít ý kiến băn khoăn về cách thức triển khai, nhất là công tác kiểm tra, giám sát thế nào để chỉ thị thật sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, từ năm 2009, Quận ủy Hà Ðông đã có sáng kiến trong việc phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa; quy định rõ việc tổ chức tiệc cưới không được quá 40 mâm. Phong trào này được phần lớn người dân trong quận đồng tình, ủng hộ. Khoảng hai phần ba số đám cưới trên địa bàn quận Hà Ðông đã được tổ chức theo mô hình này. Tuy nhiên, bên cạnh những người tự giác thực hiện, cũng không ít trường hợp người dân tìm mọi cách để 'lách' luật, như vẫn làm 40 mâm cỗ nhưng mỗi mâm mời mười hoặc 12 người, hoặc tổ chức ở những địa điểm khác nhau để mời những đối tượng khách khác nhau, hoặc tổ chức tiệc nhiều lần dưới những tên gọi khác nhau như 'lễ ra mắt', 'lễ lại mặt'... Chưa kể, việc giao cho cán bộ tổ dân phố, MTTQ phường, các đoàn thể để giám sát số lượng mâm cỗ cưới cũng gây không ít phản cảm trong dư luận. Việc xử lý những cán bộ vi phạm gây tâm lý không thoải mái, vì cho rằng hôn lễ là việc riêng của mỗi gia đình, dòng tộc, đám cưới có thể tổ chức theo ý muốn, hoàn cảnh của từng nhà... Chị Hoàng Hải Yến ở phố Ðại An (quận Hà Ðông) cho biết: 'Vấn đề dư luận băn khoăn nhất là việc giám sát sao cho thỏa đáng. Nếu có cán bộ, đảng viên vi phạm thì phải xử lý thật sự nghiêm minh, vì tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp gia đình và ban giám sát cùng 'xuê xoa' với nhau, lờ đi việc làm sai phạm'.
Với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, trên tinh thần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về 'Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội', gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, nhất là Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, MTTQ phổ biến, quán triệt chỉ thị này đến các đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, để mọi người nhận thức đúng tinh thần, tự giác hưởng ứng thực hiện vì trách nhiệm với cộng đồng, chứ không coi đây là mệnh lệnh hành chính. Ðồng thời, Ủy ban Kiểm tra Ðảng các cấp sẽ tiếp nhận các phản ánh của nhân dân về những trường hợp cán bộ, đảng viên tổ chức đám cưới trái tinh thần của chỉ thị.
Hy vọng với việc tổ chức triển khai một cách nghiêm túc và bài bản, việc tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm sẽ xóa đi hủ tục lạc hậu đã 'ăn sâu, bén rễ' vào tâm lý của nhiều người dân, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa ở Thủ đô, từ đó nhân rộng ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Theo Nhân dân