Tối 1/10, tại Khu di tích Kiếp Bạc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt và Khai hội Côn Sơn-Kiếp Bạc 2012.
Đến dự có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tới Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương trong dịp di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc được đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc được đón nhận Bằng di tích quốc gia đã thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích - nơi đánh dấu những chiến công hiển hách của cha ông trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương cần bảo tồn, tôn tạo để phát huy hiệu quả hơn nữa các giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy nhanh và sớm hoàn thành qui hoạch tổng thể Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc để làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị của khu di tích.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương phối hợp với các bộ, ngành trong công tác bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện giá trị Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, các nhà khoa học cần chủ động phối hợp với tỉnh Hải Dương để khai thác thật khoa học và hiệu quả các giá trị văn hoá, lịch sử của tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Bùi Thanh Quyến nêu rõ, Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là quần thể di tích đặc biệt quan trọng. Nơi đây đã gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Từ Tổ sơn Yên Tử, muôn ngọn núi dẫn về quần tụ tại đây, tạo thành các huyệt mạch linh thiêng của đất trời, với những thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc đất nước.
Đền Kiếp Bạc được xây dựng ở đầu núi Trán Rồng, chùa Côn Sơn được đặt ở đầu núi Kỳ Lân, đền thờ Nhà giáo Chu Văn An đặt ở đầu núi Phượng Hoàng. Mỗi tên núi, tên sông, tên đồng, tên xóm đều là một địa danh lịch sử, minh chứng cho vùng đất là một trong những vị trí chiến lược quân sự quan trọng bậc nhất của nước ta trong lịch sử chống ngoại xâm.
Lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc hàng năm được tổ chức vào mùa thu tháng tám (từ 15-20/8 âm lịch) vào dịp kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. “Tháng tám giỗ Cha” từ lâu đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành tập tục văn hóa truyền thống, uống nước nhớ nguồn của dân tộc, điểm hẹn thiêng liêng của đồng bào cả nước.
Chùa Côn Sơn từ thế kỷ thứ 14 đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt, góp phần làm nên sức mạnh “Đông A”- điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững được chủ quyền độc lập trước âm mưu bành trướng của thế lực phương Bắc. Đây là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của các anh hùng, danh nhân tiêu biểu của dân tộc ta như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán... và đặc biệt là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tại đây, Người đã dốc tâm huyết soạn “Bình Ngô Sách” một lòng giúp vua Lê Thái Tổ và trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo.”
Lễ hội truyền thống Kiếp Bạc, Côn Sơn trong nhiều thế kỷ qua đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm, nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước; xuân, thu nhị kỳ đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại mà các anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tam Tổ Trúc Lâm, Nhà giáo Chu Văn An là những nhân vật hết sức tiêu biểu.
Sau lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt là một màn biểu diễn nghệ thuật hoành tráng do các nghệ sỹ biểu diễn với chủ đề “Uy linh Vạn Kiếp”, tái hiện lại cuộc kháng chiến thần kỳ 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông của quân và dân thời Trần./.
Mạnh Tú - TTXVN