Cả 2 "đầu tàu" đều xuống hạng khá nhiều so với năm trước về mức độ ứng dụng CNTT cũng như mức độ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website/portal.
Theo Báo cáo đánh giá trang/cổng thông tin điện tử (website/portal) và mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 vừa được Bộ TT&TT công bố ngày 19/6/2012, cả Hà Nội và TP.HCM đều đã xuống hạng so với các năm trước.
Về xếp hạng website/portal, TP.HCM tụt xuống vị trí 12/63, trong khi năm 2010 TP này đứng ở vị trí số 7 đã bị coi là tụt dốc so với vị trí số 1 trong 2 năm liên tiếp 2008 - 2009. Còn Hà Nội đang đứng ở vị trí số 19, trong khi năm 2010 ở vị trí số 9, năm 2009 ở vị trí số 2 và 2008 đứng ở số 4. Top 3 dẫn đầu thuộc về An Giang, TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Về mức độ ứng dụng CNTT, TP.HCM cũng tụt xuống vị trí số 8 (năm trước đứng thứ 4) và Hà Nội lao dốc xuống vị trí số 19, tụt 10 bậc so với năm 2010 (số 9). TP. Đà Nẵng, An Giang, Thừa Thiên Huế cũng dẫn đầu bảng xếp hạng này (chỉ hoán đổi ngôi vị quán quân - á quân giữa An Giang và TP. Đà Nẵng).
Trong Báo cáo năm nay, Bộ TT&TT đã đánh giá cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đối với xếp hạng website/portal, top 5 gồm Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng; 3 vị trí "đội sổ" gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ủy ban Dân tộc.
Đối với xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, top 5 gồm Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ; 3 vị trí "đội sổ" gồm Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Theo nhận định của Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT - đơn vị thực hiện Báo cáo trên, trong năm 2011, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa các đơn vị đứng đầu và những đơn vị phía dưới. Tỷ lệ đơn vị đạt mức Tốt và Khá năm nay giảm so với năm 2010 một phần do tiêu chí đánh giá được mở rộng theo các văn bản mới.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các cơ quan Nhà nước đã xây dựng thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Năm 2011 đã có 38 tỉnh, thành phố cung cấp 829 dịch vụ trực tuyến mức 3 và 2 thành phố cung cấp 8 dịch vụ mức 4 (năm 2010 có 38 tỉnh, thành phố cung cấp 748 dịch vụ mức 2, 1 thành phố cung cấp 3 dịch vụ mức 4). Số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước chưa cao.
Báo cáo đánh giá website/portal và mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Nhà nước.
Mức độ cung cấp thông tin và tổ chức quản lý website/portal được đánh giá theo 15 tiêu chí, trong đó có thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công; thông tin quản lý, chỉ đạo, điều hành;…
Việc đánh giá về cung cấp dịch vụ công trực tuyến chú trọng tới tính thuận tiện và hiệu quả xử lý. Mức độ ứng dụng CNTT được đánh giá theo 4 nhóm tiêu chí gồm: Hạ tầng kỹ thuật, Triển khai ứng dụng CNTT, Xây dựng cơ chế chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT, Nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Ngọc Mai - ICTnews