Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 20/6/2012 20:52'(GMT+7)

Ứng dụng CNTT để hướng tới Chính phủ điện tử

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu: "Các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT-TT".

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu: "Các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT-TT".

Phát biểu khai mạc Lễ trao Giải thưởng Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước (CQNN) diễn ra sáng nay 19/6/2012, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT-TT là một trong những nội dung cốt lõi của Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT-TT trong các CQNN giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.

Kết quả triển khai năm 2011 tại các cơ quan, đơn vị cho thấy phát triển và ứng dụng CNTT nói chung và trong CQNN nói riêng đã được đẩy mạnh và triển khai một cách bài bản. Việc này tiếp tục khẳng định vai trò của ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội; giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí; giúp chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, góp phần nâng cao công khai minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết: Thời gian qua, việc triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cơ quan Nhà nước các cấp, các ngành đã tích cực đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT và thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Cũng trong buổi lễ trao giải này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ: Nghị quyết số 13 ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành TW Đảng đã khẳng định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, nền tảng để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa; cần ưu tiên hàng đầu trong tổng thể xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết cũng nêu rõ quan điểm của Trung ương coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lộ trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) trong từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước nhà. Nhiệm vụ chính của CNTT trong giai đoạn tới rất vinh dự nhưng không kém phần nặng nề, đó là phải phát triển làm sao để CNTT-TT thực sự trở thành phương tiện, môi trường và động lực thiết thực cho công cuộc CNH - HĐH đất nước. Trước mắt, phải góp phần vào tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công nhất trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu các CQNN phải gương mẫu đi đầu trong phát triển ứng dụng CNTT. Qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, thúc đẩy thị trường CNTT phát triển.

"Phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, khuyến khích và tôn vinh kịp thời các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong phát triển và ứng dụng CNTT cũng là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT. Vì vậy, đề nghị công tác tổ chức Giải thưởng VICTA và Ứng dụng CNTT trong CQNN phải được làm tốt hơn nữa, tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức để nhận được sự ủng hộ và tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng CNTT-TT", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo.

Theo thông tin được Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng công bố sáng 19/6/2012, năm nay Hội đồng Giải thưởng Ứng dụng CNTT trong CQNN đã nhận được 57 hồ sơ đề cử cho 6 giải chính cho cơ quan Nhà nước cấp Bộ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp Tổng cục, Cục, cấp Sở, ban, ngành, cấp quận, huyện ứng dụng CNTT hiệu quả nhất và 4 giải thành phần cho cơ quan cấp Bộ, tỉnh có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin đầy đủ nhất và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả nhất. Sau quá trình bình xét cẩn trọng và nghiêm túc theo tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch Hội đồng đã chọn ra được 10 cơ quan, đơn vị xứng đáng để trao Giải thưởng.

Dưới đây là chia sẻ của đại diện một số đơn vị đoạt giải, và doanh nghiệp tham dự lễ trao giải về những thành quả đạt được trong hoạt động ứng dụng CNTT-TT.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo:

Sự đóng góp của CNTT với ngành giáo dục đã khởi sắc trong 4 - 5 năm gần đây. Đặc biệt là nhờ có sự đầu tư "phi lợi nhuận" của Viettel, Mạng giáo dục đã được kết nối tới tất cả các đơn vị, cơ sở giáo dục trên cả nước (cả công và tư), tới tận vùng sâu, vùng xa. Kết quả nổi bật là cứ tới mùa thi, mùa tuyển sinh, hệ thống thông tin của hơn 450 đơn vị giáo dục trên toàn quốc đã giúp các em học sinh và phụ huynh có thể tra cứu trực tuyến đầy đủ thông tin cần thiết.

Để thực hiện dự án Mạng giáo dục này, Viettel chi khoảng 20 triệu USD trong 2 năm, trong khi nếu lập dự án Mạng giáo dục theo phương thức thông thường của các CQNN thì có thể phải mất vài trăm triệu USD. Chia sẻ thành công này tại các hội nghị quốc tế thì các đại biểu đều bày tỏ sự thán phục. Từ hiệu quả của Mạng giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo đang tiếp tục triển khai 2 hoạt động chính: 1/Chuyển đổi các hệ thống quản lý (quản lý giáo viên, điểm, cơ sở vật chất,..) sang mô hình điện toán đám mây, các dữ liệu sẽ được đưa lên "đám mây", khi đó hiệu trưởng đi công tác nước ngoài vẫn có thể theo dõi  hoạt động của trưởng, hoặc phụ huynh học sinh có thể dễ dàng truy cập website để theo dõi điểm của con em mình…; 2/Chuyển mô hình dạy - học truyền thống sang mô hình trực tuyến (elearning), dự kiến khả năng thành công sẽ trong tầm tay trong 1 - 2 năm tới.

Ông Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:

Hoạt động triển khai ứng dụng CNTT đã được Lào Cai triển khai từ năm 2001 với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch trong giao dịch giữa cơ quan công quyền với người dân. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn như hệ thống máy tính vừa thiếu vừa không đồng bộ, đội ngũ cán bộ yếu…Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm làm đến cùng. Đến nay, Lào Cai đã đạt được những kết quả nhất định: các CQNN nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các phòng ban, giảm thiểu thủ tục rườm rà. Đối với hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp thì có thể nhắc đến ví dụ điển hình là việc cấp bìa đỏ cho người dân. Trên thực tế, trong số các thủ tục hành chính, người dân quan tâm nhất những thủ tục liên quan tới đất đai. Với việc tăng cường ứng dụng CNTT, qua các hệ thống một cửa, một cửa liên thông, tra cứu thông tin qua mạng,.. người dân không còn bị phiền hà khi giao dịch với chính quyền để tiến hành các thủ tục về đất đai nữa. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về việc cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Lào Cai rất cao.

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel:

Một trong những yếu tố thành công chính của Viettel trong giai đoạn vừa rồi là áp dụng CNTT ở quy mô rộng và sâu. Với mọi hoạt động nghiệp vụ, Viettel luôn đặt câu hỏi liệu có tự làm được sản phẩm, giải pháp phần mềm ứng dụng hay không, có làm chủ được công nghệ không? Đối với lĩnh vực kinh doanh viễn thông, một trong những hệ thống quan trọng nhất là tính cước và quản lý khách hàng, lúc đầu Viettel chỉ định tự làm một hệ thống phục vụ 2 - 3 triệu khách hàng, sau đó sẽ mua giải pháp của nước ngoài vì e rằng hiệu năng của hệ thống tự làm không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, khi tự phát triển hệ thống đáp ứng 2 triệu, 5 triệu rồi đến 40 triệu khách hàng, chúng tôi vẫn duy trì quản lý được. Thử tính hiệu quả của việc tự đầu tư so với giải pháp mua ngoài thì thấy 3 - 4 năm qua, Viettel đã đầu tư cho CNTT khoảng 250 tỷ đồng nhưng việc ứng dụng CNTT đem lại hiệu quả rất lớn, riêng sản phẩm phục vụ nội bộ cũng đem lại giá trị khoảng 100 triệu USD. Khi làm chủ hệ thống CNTT - nền tảng hoạt động của doanh nghiệp - Viettel có thể ứng phó với các yêu cầu liên tục thay đổi của thị trường. Mặt khác, với hạ tầng công nghệ và công nghệ quản lý sẵn có trong tay, Viettel đã có hành trang để tự tin cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia hoạt động kinh doanh quốc tế.

Mặt khác, là một tập đoàn lớn của Nhà nước, ý thức rất rõ trách nhiệm thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước, Viettel đã chủ động đầu tư nguồn lực, hạ tầng, xây dựng ứng dụng cho các cơ quan, xác định vai trò khuyến khích, khởi xướng và thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT trong các CQNN.

Ông Nguyễn Minh Dân – Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT):

VNPT là tập đoàn hàng đầu về viễn thông - CNTT, một mặt cung cấp hạ tầng dịch vụ ứng dụng CNTT cho xã hội; mặt khác, về nội bộ cũng ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành rất sớm và sâu rộng. Hiện tại, VNPT đã có hệ thống mạng quản lý điều hành hiện đại, được đầu tư rất lớn, bao gồm: mạng truyền hình trực tuyến mạng quản lý điều hành thứ cấp đối với từng dịch vụ khác nhau… Đặc biệt, đã có hệ thống phân tích tổng hợp các số liệu quản lý mà ít doanh nghiệp khác có được. Cụ thể, trên nền cơ sở hệ thống quản lý điều hành, VNPT tạo một số phần mềm căn cứ trên khối lượng số liệu, dữ liệu lớn hàng ngày để đúc rút báo cáo tổng hợp, kết luận, trích rút các nguồn thông tin cho lãnh đạo biết được hiện trạng của SX-KD, nắm chắc số liệu SX-KD hàng ngày từ doanh thu, dòng tiền… qua đó có thể phản ứng nhanh với  tình hình thị trường.

Riêng việc hỗ trợ các CQNN phát triển và ứng dụng CNTT-TT, được sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, VNPT đã đầu tư, hoàn thành pha 2 Mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước (Mạng TSLCD) đến cấp huyện, các cơ quan của Bộ (Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh, Bộ, CQNN sử dụng mạng này). VNPT hoàn toàn có thể cung cấp nguồn lực, hạ tầng để các CQNN triển khai mạng này một cách rộng khắp. Nếu Bộ TT&TT chỉ đạo tiếp thì sẽ tiến hành pha 3, kết nối để cấp xã, phường cũng sử dụng được hệ thống Mạng TSLCD.


(Theo ICTnews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất