Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 22/4/2020 14:37'(GMT+7)

Hà Nội xây dựng kịch bản '3 thời điểm' phát triển sản xuất kinh doanh

Công nhân quay trở lại làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Công nhân quay trở lại làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh.

Cụ thể, kịch bản 1 khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý 2 lấy lại đà tăng trưởng và quý 3-4 có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Kịch bản 2 dịch bệnh được kiểm soát vào quý 3 nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.

Kịch bản 3 dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%).

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh tập trung vào các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm; đồng thời thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ về thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến... theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.

Vì vậy, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc 7 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 bằng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.

Thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 như: hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Mặt khác, thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, đẩy mạnh năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp, hiện nay, các cây trồng vụ Xuân đang phát triển tốt; dịch tả lợn châu Phi cũng được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày, tạo điều kiện đẩy mạnh tái đàn.

Ngoài ra, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; trong đó, tổng số cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm với hơn 3.204ha.

Hiện tại đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích gần 1.330ha, đang hỗ trợ khoảng 3.600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp; tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần1.017ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50-100 triệu đồng/doanh nghiệp/hợp đồng/năm); hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp với mức khoảng 1 tỷ đồng/dự án...

Đặc biệt, thành phố đã ban hành và triển khai Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025; trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, thành phố hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho doanh nghiệp thành lập mới phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 420.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên 20 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo 20 triệu đồng/doanh nghiệp/năm; xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở ươm tạo, không gian khởi nghiệp không quá 200 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 50% nhưng không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất