Thứ Năm, 3/10/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 5/4/2009 19:17'(GMT+7)

Hạ tầng mạng 3G: "Xa lộ" của thông tin di động hiện đại

Với VNPT, nếu đưa công nghệ 3G vào, cơ sở hạ tầng sẽ đáp ứng được như thế nào, thưa ông?

Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh: Công nghệ 3G là viết tắt của Công nghệ thế hệ thứ 3. Công nghệ thế hệ thứ hai chủ yếu dùng cho thoại. Với thoại, các băng thông của hệ thống chỉ cần dung lượng nhỏ. Nhưng khi sang 3G thì không những truyền thoại mà còn truyển ảnh, dữ liệu. Khi truyền ảnh, dữ liệu đòi hỏi băng thông với dung lượng lớn hơn rất nhiều. Giống như đi xe đạp thì đường nhỏ cũng đi được nhưng giờ đi bằng ô tô, khối lượng vận tải lớn đòi hỏi phải xây dựng những xa lộ.

Cụ thể hơn, đến thời điểm này, Tập đoàn đã chuẩn bị hạ tầng cho 3G tới đâu?

Về việc triển khai 3G, Tập đoàn đã có sự chuẩn bị từ khá lâu rồi. Ngay khi nhận được thông tin các doanh nghiệp sẽ thi tuyển để lấy giấy phép 3G, Tập đoàn đã chuẩn bị, thứ nhất là nội dung của hồ sơ thi tuyển. Thứ hai là các dự án và các dịch vụ.

Về dự án, Tập đoàn đã chuẩn bị và phê duyệt các dự án liên quan tới triển khai, cung cấp dịch vụ công nghệ 3G gồm có tất cả các trạm thu phát cũng như hệ thống xử lý tín hiệu gọi là mạng lõi. Ngoài ra, nhằm mục tiêu khi có mạng 3G, sẵn sàng các dịch vụ cho khách hàng có thể sử dụng được, Tập đoàn cũng đã chuẩn bị những nội dung thông tin như phim, hình ảnh, tất cả các cơ sở có thể phục vụ khách hàng truyền đưa dữ liệu thông qua mạng 3G.

Ví dụ như hiện nay chúng ta đang truy cập các mạng băng rộng lấy thông tin trên Internet rồi lấy các bộ phim, thông tin ngoài tín hiệu thoại trên mạng Internet băng rộng nhưng trong tương lai, khi có 3G ngoài việc chúng ta phải truy cập thông qua mạng cố định, khi cắm máy tính vào các máy điện thoại 3G, chúng ta hoàn toàn có thể truy cập lấy các thông tin không phải tín hiệu thoại như với mạng băng rộng hiện có.

Ảnh minh họa

Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh.

Ông có thể chia sẻ lý do tại sao tới thời điểm này chúng ta lại cần cung cấp dịch vụ công nghệ 3G?

Hiện nay chúng ta không thể hài lòng khi sử dụng dịch vụ di động chỉ để thoại, nói chuyên với nhau mà các dịch vụ khác như truyền ảnh, truyền dữ liệu cũng có nhu cầu sử dụng. Mặc dù hiện nay nhu cầu về dữ liệu, hình ảnh cũng chưa phải là lớn lắm nhưng nếu chúng ta không đi trước, chuẩn bị hạ tầng thì không thể kích thích các nhu cầu sử dụng được.

Ví dụ chúng ta muốn thực hiện đào tạo, học tập từ xa, muốn chữa bệnh qua mạng hay truyền dữ liệu, truyền ảnh... nhưng hạ tầng chưa đáp ứng được thì đương nhiên nhu cầu sẽ còn thấp. Tôi hy vọng là khi mạng 3G được xây dựng lên sẽ góp phần kích cầu nhu cầu sử dụng.

Không chỉ vậy, mạng 3G ngoài việc cung cấp các dịch vụ truyền dữ liệu, hình ảnh, nó vẫn có thể truyền thoại. Đối với nhà khai thác 2G khi triển khai 3G sẽ dùng mạng 3G để tăng chất lượng thoại, bổ sung cho mạng 2G làm tốt hơn chất lượng dịch vụ của mình. 3G vừa đón đầu cho tương lai vừa giúp các nhà mạng làm tốt hơn những vấn đề hưa đáp ứng được thực sự tốt.

Tại sao VNPT lại chọn nâng cấp mạng 2G để triển khai 3G?

Thực tế giữa mạng 2G và 3G khác nhau về công nghệ song chúng ta vẫn có thể tận dụng những phần thiết bị đã đầu tư rồi nên những nhà khai thác đã có mạng 2G khi đầu tư 3G hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhà trạm, cột an ten sẽ không phải xây dựng mới. Hệ thống lõi 2G đã triển khai dịch vụ GPRS (2,5G) chính là bước đầu tiên của mạng 3G, lõi cũng đã có nhiều phần có thể sẵn sàng cung cấp dịch vụ mạng 3G nên khi nâng cấp mạng 2G lên chúng ta sẽ có một mạng 3G với chi phí đầu tư nhỏ hơn là đầu tư xây dựng mạng 3G mới hoàn toàn.

Những nhà khai thác cũ khi đã kinh doanh mạng 2G đầu tư mạng 3G cũng có thuận lợi hơn bởi số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ 2G đã đông, khi đưa các dịch vụ mạng 3G vào sẽ dễ được chấp nhận. Nếu nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G ban đầu còn thấp thì 3G vẫn sẵn sàng cung cấp dịch vụ thoại, bổ sung cho 2G và như vậy sẽ không bị lãng phí.

Và kế hoạch triển khai cụ thể của VNPT?

Hiện Tập đoàn có hai mạng di động là VinaPhone và MobiFone. Dự kiến trong năm đầu tiên mỗi mạng di động sẽ đầu tư từ 3.000 đến 5.000 trạm thu phát sóng. Sau ba năm, sẽ đầu tư từ 8.000 đến 10.000 trạm thu phát. Theo tôi, Việt Nam triển khai mạng 3G không qua sớm cũng không quá muộn. Với tộc độ xây dựng mạng như vậy so với các nước tiên tiến chúng ta cũng đạt mật độ bao phủ rộng. Tôi tin trong một thời gian ngắn chúng ta sẽ có một mạng 3G tiên tiến tương đương với các nước phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Giá cước dịch vụ công nghệ 3G sẽ không cao

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, về cơ bản, giá cước của các dịch vụ di động 3G sẽ không  cao hơn giá cước dịch vụ 2G. Dịch vụ 3G quan trọng nhất là dữ liệu và nó rất đa dạng, có hàng chục, hàng trăm dịch vụ khác nhau. Mỗi loại dịch vụ dữ liệu khác nhau có giá cả khác nhau.

Về nguyên tắc quản lý giá cước của Bộ không quản lý giá tất cả các loại dịch vụ mà Bộ chỉ quản lý giá của doanh nghiệp khống chế thị trường, có trên 30% thị phần và những dịch vụ thiết yếu, quan trọng. Còn với những dịch vụ mới ra đời của công nghệ 3G thì giá cả phụ thuộc vào sự cạnh tranh trên thị trường của chính các doanh nghiệp cung cấp.













(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất