Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 17/10/2010 11:57'(GMT+7)

Hà Tĩnh: hàng vạn ngôi nhà chìm sâu trong nước

Người dân xã Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh đưa trâu bò lên đê La Giang tránh lũ - Ảnh: Thuận Thắng

Người dân xã Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh đưa trâu bò lên đê La Giang tránh lũ - Ảnh: Thuận Thắng

Ngồi trên xuồng, chúng tôi thấy toàn bộ là một “biển nước” mênh mông, hầu hết các ngôi nhà bị chìm trong nước lũ. Các chiến sĩ biên phòng gọi loa để bà con ra lấy mì tôm nhưng phần lớn người dân đang ngồi trên nóc nhà để tránh lũ.

Anh Nguyễn Văn Sáng ở xóm 6, ấp Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh) bơi trong căn nhà ngập nước - Ảnh: PHI LONG

Xóm 14, xã Gia Phố, huyện Hương Khê không còn một người dân nào. Ông Phạm Văn Mão, xóm trưởng xóm 14, xã Gia Phố cho biết người dân trong xóm đã sơ tán lên những ngôi làng trên núi cao thuộc xã Hương Giang cách đó 3 km. Ông Mão cho biết thêm tối qua có 2 phụ nữ trong xóm bị rơi từ trên nóc nhà xuống và bị thương nặng.

Lúc 15g chiều qua (16-10), cầu treo Gia Phố - cây cầu từng oằn mình chống chọi qua những đợt lũ vừa qua cũng bị cuốn trôi. Ông Mão cho biết người dân hiện nay rất cần nước uống.

Ông Lê Đình Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phụ trách nông nghiệp, cho biết trong 2 ngày tới  sẽ có 1 trận lũ lớn tiếp tục trút xuống Hương Khê.

Ông Lê Trần Sáng, phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho hay toàn huyện có 21/22 xã bị ngập nặng và cô lập hoàn toàn, 18.000 ngôi nhà chìm sâu trong nước.

Trong khi đó, phóng viên TTO có mặt tại nơi rốn lũ, gọi điện về kể một câu chuyện xúc động: nhà của bà Nguyễn Thị Đức, 70 tuổi, ngụ xóm 7, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê ngập nặng từ 8g sáng đến 10 giờ khuya hôm qua 16-10 thì bị sập. Lúc nhà bị sập, bà cùng con và cháu đu cây mít từ 10 giờ đêm qua đến khoảng 7g sáng nay, công an tỉnh Hà Tĩnh mới tiếp cận được và cứu cả 3 người. Bà nói trong nước mắt: "Từ sáng qua đến giờ, chúng tôi chẳng có gì ăn cả, may mà được cứu chứ không có lẽ cũng chết trôi theo dòng nước lũ".

Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Hưng Bình, xã Lộc Yên phải trổ nóc nhà, nằm trên nóc nhà tránh lũ, đến nay đoàn cứu trợ mới vô đến nơi và hỗ trợ cho vợ chồng anh thùng mì tôm.

Hiện giờ các xã Hà Linh, Lộc Yên, Phú Đồng, Phú Phong, Phong Điền vẫn bị ngập nặng.

Tại xóm 14 và xóm 4 thuộc xã Hà Linh, hơm 100 người dân đang trú ở tầng 1 tại một nhà thờ. Tại xóm 3, người dân tập trung tại trường THCS xã Hà Linh.

Thương tá Thái Văn Tiến thuộc công an tỉnh Hà Tĩnh trong khi dùng dao chặt cây rẽ vô nhà dân cứu người thì chặt phải cánh tay mình.

Hiện tại hơn 200 ca nô của các đơn vị có mặt tại huyện Hương Khê để tỏa đi các nơi, đưa người dân đến những nơi an toàn và tiếp tế lương thực cho họ. Hiện huyện Hương Khê vẫn còn mưa và nước rút rất chậm.

Người dân vật lộn với dòng nước xiết trên quốc lộ 1A đoạn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh - Ảnh: Thuận Thắng

Nhiều du khách nước ngoài bị kẹt lại trên quốc lộ 1A đoạn đầu TP.Hà Tĩnh do quốc lộ 1A bị lũ nhấn chìm - Ảnh: Thuận Thắng

Người dân vật lộn với dòng nước xiết trên quốc lộ 1A đoạn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh - Ảnh: Thuận Thắng

Người dân vật lộn với dòng nước xiết trên quốc lộ 1A đoạn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh - Ảnh: Thuận Thắng

Tất cả các ngả đường đều chia cắt

Từ chiều 16-10, giao thông tại Hà Tĩnh lên các huyện Vũ Quang, Hương Khê đã hoàn toàn ách tắc. Đường Hồ Chí Minh từ phía nam ra qua ngả Bố Trạch (Quảng Bình) bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó đường 15 từ Khe Giao lên Hương Khê rẽ từ Quốc lộ 1 có đoạn ngập gần 3m nên cũng tê liệt.

Đến 2 giờ sáng 17-10, đến lượt Quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh tiếp tục ách tắc do hồ Kẻ Gỗ, hồ sông Rác xã lũ và nước thượng nguồn Vũ Quang, Hương Khê đổ về. Có ít nhất 6 điểm trên Quốc lộ 1A từ Cẩm Xuyên đến Can Lộc bị ngập từ 0,4 đến 0,8 m.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã phải phong tỏa hai đầu xe Nam - Bắc tại cầu Phủ, phía nam TP. Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh, khiến hàng ngàn ô tô phải ách lại. Hai đầu đoạn đường này cách nhau hơn 30 km, và hiện vẫn có hàng trăm xe ô tô, xe máy đang bị kẹt lai trong khu vực ngập nặng do đã lỡ đi vào trước đó, hết sức nguy hiểm.

Trong khi đó Quốc lộ 8A từ Hồng Lĩnh lên cửa khẩu cầu treo cũng bị ách tắc nhiều đoạn qua Đức Trung, Đức Thủy (huyện Đức Thọ). Hiện một số xe gầm cao có thể đi lại được nhưng phải đi tắt qua đỉnh đường đê Lê Giang khá nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên TTO, ông Nguyễn Khoa Thanh, phó ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, cho biết việc ách tách giao thông là rất đáng lo ngại, bời sẽ cản trở lực lượng ứng cứu hàng chục ngàn người dân trong vùng lũ.

Về phương án đề nghị quân khu 4 gửi trực thăng cứu hộ, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay đang cân nhắc, tuy nhiên thời tiết quá xấu nên hiện Hà Tĩnh đang cố gắng khắc phục sự ách tắc đường bộ bằng các phương tiện thủy là chủ yếu.

Theo VŨ TOÀN - PHI LONG (Tuoi Tre onlie)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất