Cục Hải quan TPHCM là đơn vị hải quan lớn nhất cả nước với nhiều cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế. Tuyến đường biển có khoảng 179 hãng tàu biển hoạt động, mỗi năm có khoảng 9.000 chuyến tàu biển xuất nhập cảnh. Tuyến hàng không với hơn 55 hãng hàng không đang khai thác, mỗi năm phục vụ 100.000 chuyến bay với 14 triệu lượt khách xuất nhập cảnh, chiếm tỉ lệ 66% cả nước.
Cục Hải quan TPHCM đảm nhận hơn 40% số lượng công việc; 35% số thu ngân sách nhà nước toàn ngành; làm thủ tục cho hơn 50% số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hơn 3 triệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng năm.
Đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp
Với Kế hoạch hành động “Cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy và đồng hành cùng phát triển” từ năm 2016 đến nay, Cục Hải quan TPHCM đã kiên trì thực hiện, phát huy hiệu quả qua các cuộc đối thoại. Bên cạnh đó, Cục Hải quan TPHCM còn mời lãnh đạo các Hiệp hội Âu, Mỹ, Á, Đại sứ quán cùng tham dự. Tại các hội thảo, diễn đàn với các doanh nghiệp, tư tưởng chủ động, sáng tạo, đổi mới luôn là phương châm xuyên suốt. Qua đó thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và giải đáp vướng mắc, nghiên cứu đề ra những chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cũng nhờ có sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự cải thiện tích cực của ngành Hải quan đã giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó có lợi nhuận cao, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Năm 2019, Cục Hải quan TPHCM được giao chỉ tiêu thu 108.800 tỷ đồng (tăng 800 tỷ đồng so với 2018); kết quả thu thuế năm 2019 là 118.866,54 tỷ đồng, đạt 109,25% dự toán Pháp lệnh, đạt 105,28% chỉ tiêu phấn đấu (112.900 tỷ đồng), tăng 10,04% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỷ lệ 34,20% tổng số thu toàn ngành.
Với đặc thù quản lý nhà nước trên địa bàn có nhiều cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế; quản lý trên trên 50.000 doanh nghiệp trong nước và hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống ma tuý là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Hải quan.
Cục Hải quan TPHCM đã cụ thể hóa các chỉ đạo, các kế hoạch của Ban Thường trực 389 Quốc gia, của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thành các chương trình hành động cụ thể; xây dựng nhiều chuyên đề, kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, xác định mục tiêu trọng điểm, hàng hoá trọng điểm, đối tượng trọng điểm, tuyến đường trọng điểm; thống kê các phương thức thủ đoạn để có các phương án đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, Cục Hải quan TPHCM đã quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn đề cao cảnh giác, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật về hải quan.
Kết quả, trong 3 năm gần đây, đã phát hiện, bắt giữ và lập biên bản vi phạm hơn 4.000 vụ vi phạm, trị giá tang vật là hơn 2.500 tỷ đồng. Phạt tiền và tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 80 tỷ đồng. Hải quan ra quyết định khởi tố 39 vụ, chuyển cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố 98 vụ việc. Đặc biệt, ngày 11/5/2019, Cục Hải quan TPHCM đồng chủ trì với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04 - Bộ Công an) đã triệt phá đường dây vận chuyển trái phép hơn nửa tấn Ketamine, trị giá 500 tỷ đồng.
Cải cách, tạo thuận lợi thương mại, hội nhập và phát triển
Nhiều năm qua, Cục Hải quan TPHCM là đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính và hiện đại hóa trên địa bàn Thành phố nói riêng và ngành Hải quan nói chung. Năm 2019 là năm Cục Hải quan TPHCM có những đột phá về cải cách, xây dựng 2 đề án trọng tâm.
Với Đề án “Xây dựng Hệ thống quản trị Hải quan TPHCM – HCAS” đã giúp cải tiến công tác quản lý dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động quản lý hành chính, tạo sự đột phá từ nhận thức và hành động của mỗi cán bộ công chức trong cơ quan. Từ đó thống nhất quan điểm về phát triển và ứng dụng công nghệ, góp phần thực hiện các mục tiêu và hướng tới các thành tựu lớn hơn.
Cảng Cát Lái với sản lượng hàng hóa khai thác chiếm 50% thị phần cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại các cảng biển TPHCM, tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 10%, nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp với tốc độ tăng của hàng hóa lưu thông qua cảng. Sự bất cập này gây ra tình trạng ùn tắc hàng hoá tại cảng Cát Lái và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông tại các khu vực lân cận cảng, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng Cát Lái. Xuất phát từ thực trạng trên, Cục Hải quan TPHCM xây dựng đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và Chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Logistics tại cảng Cát Lái thông qua việc đơn giản các thủ tục giao nhận hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM còn đề xuất triển khai đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM (gọi là phí hạ tầng cảng biển), nhằm tạo nguồn thu lớn để đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển. Lợi ích mang lại là sẽ tạo nguồn thu vững chắc cho sự phát triển của TPHCM.
Đồng chí Đinh Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM luôn trăn trở về vai trò của ngành Hải quan trong giai đoạn tới, với nhiều thách thức đặt ra đối với cơ quan Hải quan trong tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ an ninh an toàn cộng đồng. Theo đồng chí Đinh Ngọc Thắng, trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Hoạt động thương mại toàn cầu còn đối mặt với nhiều thách thức do xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán thế giới, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo theo sự suy sụp của cả một hệ thống kinh tế toàn cầu... nguy cơ về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là việc vận chuyển hàng cấm như vũ khí, ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa giả mạo xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ… trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định song phương và đa phương, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…) với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… Điều này cho thấy công tác thu ngân sách nhà nước phải song song với chống buôn lậu, gian lận thương mại, giữ vững an ninh, an toàn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh trong sạch và bình đẳng mới là nhiệm vụ chủ chốt của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.
Với vai trò “người gác cửa nền kinh tế đất nước”, Hải quan Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì? Theo đồng chí Đinh Ngọc Thắng, đó là:
Thứ nhất, phương thức quản lý Hải quan hiện đại: Chúng ta cần phải tích cực cải cách, hiện đại hóa Hải quan, tiếp thu những văn minh công nghệ tiên tiến của Hải quan thế giới để ứng dụng thực tiễn vào nghiệp vụ của mình.
Thứ hai, đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị hiện đại: trang bị thêm máy soi container, máy soi hàng hóa, tàu tuần tra chống buôn lậu, các loại thiết bị chuyên dụng hiện đại nhằm phát hiện ma túy…
Thứ ba, về hệ thống pháp luật: Chúng ta phải có hệ thống pháp luật phù hợp với phương pháp quản lý mới, bên cạnh đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ mở rộng quyền lực cho cơ quan Hải quan, điều này là rất cần thiết bởi chúng ta cũng là một trong những lực lượng xung kích, có vai trò to lớn trên mặt trận chống buôn lậu.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trong nước và quốc tế để trao đổi thông tin, nghiệp vụ, đảm bảo an ninh và ngăn chặn giao dịch thương mại bất hợp pháp.
Thứ năm, xây dựng cán bộ Hải quan trong tình hình mới là người có trình độ, có năng lực, có bản lĩnh, có phẩm chất chính trị vững vàng trước mọi rủi ro và cám dỗ./.
Theo hcmcpv.org.vn