Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/11/2017 20:28'(GMT+7)

Hạn chế tác động tiêu cực từ du lịch

Khu du lịch Tràng An	Nguồn: ITN

Khu du lịch Tràng An Nguồn: ITN

Thách thức từ phát triển “nóng”

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương  khẳng định, bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách để bảo đảm sự phát triển bền vững. Hiện Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã xây dựng xong “Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”, đang điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành. Trong đó, có những tiêu chí bắt buộc, cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường tại các cơ sở du lịch, dịch vụ và những tiêu chí khuyến khích nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ của cơ sở.

Du lịch phát triển quá “nóng”, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường là một thực tế và thách thức không nhỏ đối với các khu du lịch lớn ở nước ta trong những năm qua. Cùng với sự gia tăng về lượng khách, các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh. Sự phát triển du lịch cũng làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, gia tăng ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi sự quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Tình trạng chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để tạo nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý, nhất là tại một số khu, điểm du lịch nằm ở hạ lưu các lưu vực sông, suối, các bãi biển, đảo… Nguyên nhân được chỉ ra là bên cạnh công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm, nhận thức đúng đắn và đầy đủ.

Nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cho thấy, nhiều khu du lịch ven biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể bị “xóa sổ” như khu du lịch Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam), khu du lịch Khai Long (Cà Mau)… Đây là những cảnh báo nghiêm túc về tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển du lịch ở Việt Nam. Theo Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam GS.TS Tạ Hòa Phương, giữ gìn vệ sinh môi trường là điều cấp thiết với các khu du lịch quốc gia. Vấn đề này tuy đã được chú ý nhưng cho đến nay vẫn là điểm yếu của ngành du lịch. Việc bảo vệ môi trường tại các điểm đến cần được giải quyết sớm, bởi đây là bộ mặt của di sản, là điều ngay lập tức lọt vào mắt du khách. Điểm đến có tạo được sự hấp dẫn, hứng thú với du khách hay không một phần phụ thuộc vào vấn đề vệ sinh môi trường có tốt hay không.

Ngoài vấn đề về môi trường, các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng đã có những biến đổi nhất định do tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch.

Chú trọng chất lượng và bền vững

Du lịch hiện đang trở thành ngành kinh tế đem lại nhiều lợi nhuận. Vấn đề phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của quốc gia, trong đó có ngành du lịch. Thay vì chạy theo số lượng, ngành du lịch cần chú trọng tới chất lượng. Về vấn đề này, TS. Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, phát triển du lịch bền vững còn gặp nhiều thách thức nhưng nếu có một khung chính sách đồng bộ, có sự chung tay của tất cả các bên, bao gồm cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Thực tế có nhiều doanh nghiệp, cơ sở du lịch đã thực hành du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững. Các nhà trường tuy không tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nhưng lại có vai trò quan trọng trong đào tạo, cung cấp nhân lực cho ngành du lịch. Vì vậy, vai trò quan trọng nhất của nhà trường là phải lồng ghép các chương trình du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững vào chương trình học, để khi ra trường họ thực hành du lịch có trách nhiệm và bền vững tại nơi làm việc, phải đóng vai trò tuyên truyền cho người khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Nếu người học du lịch không có ý thức về việc phát triển bền vững thì sẽ có những tác động tiêu cực đầu tiên, trực tiếp tại các điểm cung ứng dịch vụ.

Từ thực tế quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tạo động lực để du lịch Ninh Bình có bước phát triển mạnh nhưng lượng khách đến đã vượt quá “sức chứa”, sức ép không nhỏ cho môi trường du lịch vào mùa cao điểm, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Đông chia sẻ kinh nghiệm nhằm giảm tải, phân luồng lượng khách giữa các khu, điểm du lịch. Ngoài việc mở thêm một số tour, tuyến để giãn du khách, Ninh Bình xây dựng chương trình kích cầu vào mùa thấp điểm. Song song với đó, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để khách du lịch và người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan tại các khu, điểm du lịch, nhất là những khu vực nằm trong vùng di sản thế giới. Đối với cán bộ và người dân trực tiếp tham gia dịch vụ du lịch ngành du lịch thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cảnh quan, bảo vệ di sản, thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh và an toàn du lịch.


Cao Sơn (Báo ĐBND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất