Theo nhận định của nhật báo Korea Herald (Hàn Quốc) số ra ngày 22/5,
Triều Tiên một lần nữa tiếp tục đẩy cao căng thẳng khi trong 3 ngày liên
tiếp bắn liền 6 quả tên lửa tầm ngắn vào biển Hoa Đông.
Bất chấp những lời đồn đoán của cộng đồng quốc tế về mục đích
thực sự trong động thái này, chính quyền Bình Nhưỡng luôn khẳng định
đó là một phần của “cuộc diễn tập quân sự thông thường”.
Các
chuyên gia cho rằng các vụ phóng tên lửa tầm ngắn vừa qua của Triều
Tiên là nhằm gây sức ép đối với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trước
thời điểm chuẩn bị diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Trung ở Bắc Kinh
vào cuối tháng 6 tới mà chủ đề chính lại là vấn đề hạt nhân của
Bình Nhưỡng.
Một số khác với quan điểm lạc quan hơn thì lại
đưa ra nhận định rằng chính quyền Kim Jong Un sẽ tiếp tục duy trì
trạng thái đối đầu với Seoul trong suốt nhiệm kỳ của bà Park Geun-hye,
ít nhất là trong 2-3 năm tới.
Tuy nhiên,
hiện đang có một thực tế là Triều Tiên sẽ bị “dồn vào chân tường” khi
cả Seoul và Washington không nhượng bộ trước bất cứ sự đe dọa hay khiêu
khích nào của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Mỹ và Hàn Quốc đồng thời vẫn
để ngỏ cánh cửa đối thoại nhưng kèm điều kiện Triều Tiên phải tuân
thủ đầy đủ những cam kết với cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó,
chính quyền Bình Nhưỡng dường như chưa bao giờ có ý định từ bỏ những
nỗ lực, đôi khi là “mánh khóe” nhằm có được lợi thế nhất định trên
bàn đàm phán, hoặc chí ít là “quân bài” để mặc cả.
Thực tế
cho thấy bề ngoài Triều Tiên thẳng thừng từ chối lời đề nghị đối thoại
về số phận Khu công nghiệp chung Kaesong. Tuy nhiên, chính quyền Bình
Nhưỡng lại gửi thư cho từng doanh nghiệp riêng lẻ (hiện có tài sản ở
Kaesong) thể hiện mong muốn đối thoại trực tiếp với họ để giải quyết
tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có cả việc trao trả tài
sản và nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, việc chính quyền Triều
Tiên mời Cố vấn cao cấp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm
Bình Nhưỡng và có các cuộc hội đàm với một số quan chức cao cấp nước
này đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Triều Tiên đang cố gắng phá
vỡ sự phối hợp trong chính sách về Triều Tiên giữa Tokyo và hai đồng
minh thân cận là Seoul và Washington.
Một số
nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh như vậy, Hàn Quốc cần phải có
những đối sách phù hợp và thái độ thống nhất trong nội bộ để đối
phó một cách hiệu quả nhất với một láng giềng “sớm nắng chiều mưa”
Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, tình hình sẽ trở nên “rắc rối và khó
giải quyết hơn” một khi Nhà Xanh và Bộ Thống nhất lại có những quan
điểm trái chiều nhau.
Hồi tuần trước, Bộ Thống nhất Hàn Quốc
đã ngay lập tức đưa ra đề nghị đối thoại với Triều Tiên chỉ vài giờ
sau khi Tổng thống Park Geun-hye cho ý kiến tạm ngừng. Trước đó, đội
ngũ trợ lý của Nhà Xanh cũng đã bác đề nghị nối lại đối thoại với
chính quyền Triều Tiên của Bộ trên.
Chỉ riêng bất đồng quan điểm
này cũng đủ làm yếu thế và mất đi tiếng nói của một cơ quan đặc
trách vấn đề quan hệ liên Triều đồng thời làm hạn chế vị thế trong
đàm phán của Seoul trong dài hạn.
Báo trên đi đến kết luận
rằng chính quyền Tổng thống Park Geun-hye đang theo đuổi chính sách xây
dựng niềm tin với Triều Tiên để duy trì hòa bình và ổn định trên bán
đảo Triều Tiên. Và như vậy, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là Seoul
cần phải tập trung tạo được sự thống nhất quan điểm trong nội bộ
trước khi tiến tới việc thực thi chính sách xây dựng niềm tin một
cách hiệu quả với Bình Nhưỡng./.
(Vietnam+)