Hôm nay 10/11, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập phiên họp khẩn cấp gồm các bộ trưởng liên quan đến lĩnh vực an ninh. Phiên họp được triệu tập chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Lee Myung-bak đã chỉ thị cho quân đội kiên quyết đáp trả, nhưng phải bình tĩnh nhằm bảo đảm không làm cho tình hình trở nên xấu hơn.
Cuộc họp chủ yếu tập trung thảo luận về ảnh hưởng của vụ đụng độ đối với quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Un-chan nói rằng vụ giao tranh là một sự kiện bất ngờ, ông kêu gọi công chúng tin tưởng vào chính phủ và quân đội.
Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau và yêu cầu xin lỗi về vụ việc trên. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), đụng độ xảy ra khi một tàu tuần tra của Bình Nhưỡng đã vượt Đường Ranh giới phía Bắc (NLL) của Hàn Quốc, buộc tàu nước này bắn cảnh cáo.
Tuy nhiên, tàu của Triều Tiên vẫn phớt lờ cảnh cáo này và tiếp tục đi về phía Nam. Vì vậy, Hải quân Hàn Quốc đã nổ súng vào tàu của Triều Tiên và phía tàu Triều Tiên cũng bắn trả. Cuộc đụng độ kéo dài khoảng 3 phút.
Trong khi đó, Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên ra thông báo nêu rõ giới chức quân đội Hàn Quốc cần xin lỗi và thực hiện biện pháp có trách nhiệm nhằm tránh tái diễn hành động tương tự. Bình Nhưỡng cho rằng vụ đụng độ này là "hành động khiêu khích vũ trang".
Theo Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Triều Tiên, tàu tuần tra của nước này đang thực hiện nhiệm vụ trong vùng lãnh hải của mình thì bị các tàu chiến của Hàn Quốc đuổi theo và nổ súng.
Theo các nguồn tin của Hàn Quốc, hai bên không có thương vong nhưng tàu của Triều Tiên bị cháy và phải quay về.
Giới tuyến giữa hai miền Triều Tiên trên biển Hoàng Hải được Liên hợp quốc quy định sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Tuy nhiên, Triều Tiên đến nay vẫn không chấp nhận giới tuyến này.
Hải quân hai bên đã hai lần đụng độ tại khu vực này vào năm 1999 và 2002. Tháng trước, Triều Tiên cáo buộc tàu chiến Hàn Quốc vượt quá giới tuyến này nhằm gây căng thẳng, và cảnh báo "những hành động khiêu khích khinh suất" như vậy sẽ dẫn tới đụng độ quân sự.
Trong diễn biến khác, trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng 5 ngày (từ 9-13/11), Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về Triều Tiên, ông Jack Lang ngày 10/11 đã hội đàm với Ngoại trưởng Triều Tiên Pak Ui Chun về những vấn đề quan hệ song phương và một loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA) đưa tin trong chuyến thăm này, ông Jack Lang cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà vấn đề hạt nhân của nước này và việc thiết lập các quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Pháp hiện là nước lớn duy nhất ở châu Âu chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, và cũng không phải là một trong sáu bên tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo này.
Tuy nhiên, Pháp là một trong năm thành viên thường trực và có lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.
(TTXVN)