Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công
thương năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Thời gian vừa
qua, công tác quản lý thị trường của ngành Công thương đã làm có hiệu quả, nhưng
cũng còn nhiều hạn chế. Biểu hiện là còn có tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng
nhái xuất hiện trên thị trường. Hàng giả, kém chất lượng rất nguy hại đánh chết
hàng sản xuất nghiêm túc, có chất lượng, đồng thời còn có thể gây có hại sức
khỏe người tiêu dùng.
Phải quyết liệt chống buôn lậu, hàng
giả
Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương phải nghiêm
túc, quyết liệt quản lý thị trường, đẩy mạnh cuộc vận động và thực hành người
Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Công tác bảo vệ thị trường trong nước phải được
thực hiện thông qua nhiều giải pháp, đúng pháp luật. Đặc biệt, phải chống buôn
lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó cả hàng
giả, hàng nhái có nguồn gốc từ trong nước.
Các hoạt động nêu trên nếu được làm tốt, theo Thủ
tướng, không những giúp hàng thật có chỗ đứng tốt trên thị trường mà còn giữ
được lòng tin của người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính,
tạo được thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng còn nhấn mạnh,
cần đẩy mạnh xuất khẩu, đây là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng đồng thời phải tập
trung cả phát triển và mở rộng thị trường trong nước. Với thu nhập bình quân đầu
người hiện nay khoảng 1.600 USD, khả năng mở rộng thị trường trong nước là có,
nhưng phải tìm được và nhân rộng các mô hình tốt, nhất là các mô hình đã và đang
triển khai có hiệu quả tại một số tỉnh, thành.
Thời điểm Tết Nguyên đán năm 2013 đang cận kề,
chỉ đạo về việc bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết, Thủ tướng yêu cầu ngành Công
thương phải gắn với kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm. “Muốn kiểm soát giá,
trước hết phải đủ hàng; nhanh chóng nhân rộng hệ thống hàng bình ổn giá trên cả
nước. Đây là việc làm có lợi cho nước, cho dân. Không riêng gì dịp Tết, năm 2013
phải làm tốt việc này”- Thủ tướng khẳng định.
Về hoạt động hỗ trợ thị trường, Thủ tướng cho
rằng, cần phải cân đối cung - cầu, tăng tổng cầu của nền kinh tế thông qua tăng
dư nợ tín dụng, đầu tư công. Thủ tướng khẳng định năm 2013 sẽ tăng mạnh tín
dụng, và nhắc lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã được ngành ngân hàng đưa ra
mới đây là 12%. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, trên thực tế, còn nhiều việc
phải làm để cung tín dụng đúng hướng, tăng tổng cầu chung.
Đề cập đến những khó khăn cho ngành lương thực,
thực phẩm, cá tra, cá basa, tôm... vì đều đang vướng mắc tiếp cận tín dụng, thủ
tục xuất khẩu... Thủ tướng khẳng định: Các chính sách về thuế, phí... thì tầm vĩ
mô đang tiếp tục triển khai. Nhưng đối với từng sở, ngành cụ thể phải quyết liệt
thực hiện có hiệu quả, thiết thực.
Năm 2012, xử lý hơn 26.000 vụ buôn hàng
lậu, hàng giả...
Báo cáo về công tác quản lý thị trường của ngành
Công thương năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Năm qua,
lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 177.205 trường hợp, xử lý 87.136 vụ vi
phạm, trong đó có 15.045 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 11.726 vụ hàng giả, kém
chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; 42.389 vụ kinh doanh trái phép và 17.924 vụ
vi phạm trong lĩnh vực giá.
Số thu từ các đợt thanh tra kiểm tra ở mức 395 tỷ
đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính 241 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu 143
tỷ đồng và truy thu thuế 11 tỷ đồng, giá trị hàng tịch thu chờ bán khoảng 390 tỷ
đồng, trị giá hàng tiêu hủy 55 tỷ đồng.
Đánh giá về hạn chế công tác kiểm soát thị trường
trong nước năm vừa qua, Thứ trưởng Tú thẳng thắn: công tác này tuy đã được tăng
cường, song vẫn chưa đủ sức phát hiện, ngăn chặn và xử lý một cách cơ bản các
hoạt động gian lận thương mại trên thị trường cũng như các yếu tố tiêu cực tiềm
ẩn để có biện pháp phòng ngừa.
Nguyên nhân do các biện pháp phòng chống buôn
lậu, gian lận thương mại còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, sự phối hợp giữa các lực
lượng chức năng chưa thật chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ
trong lực lượng Quản lý thị trường chưa cao.... dẫn đến hậu quả công tác này còn
hạn chế./.
Theo VOV