Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 15/4/2009 16:49'(GMT+7)

Hàng nghìn dấu tích về Hoàng Sa ở Lý Sơn

Đình An Vĩnh - nơi xuất phát của Đội Hoàng Sa.

Đình An Vĩnh - nơi xuất phát của Đội Hoàng Sa.

Hình như Hoàng Sa đã hóa thân vào từng ngọn dừa, từng con sóng nhỏ trên mảnh đất Lý Sơn chẳng thế mà cả câu hát ru của những bà mẹ nó cũng hiện hữu: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. Bởi “không về” nên dân Lý Sơn đã xây những ngôi mộ gió để tưởng nhớ họ và lập Âm linh tự với bia Chiến sĩ trận vong để thờ vong linh người đã khuất. Họ là những con em Lý Sơn và các vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, đã vâng mệnh triều đình, lên đường ra Hoàng Sa bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc từ hàng trăm năm trước.

Hàng trăm năm sau thời chúa Nguyễn định đô đất phương Nam, hết Chúa Nguyễn sang thời Tây Sơn rồi các vua triều Nguyễn, hàng nghìn lượt con em Lý Sơn đã giong buồm trực chỉ Hoàng Sa. Dấu vết còn lại của những cuộc ra đi ấy là chi chít những di tích lịch sử trên đất đảo.

Đình An Vĩnh, nơi hằng năm đội Hoàng Sa làm lễ tế trời đất, tổ tiên trước khi xuống thuyền ra khơi. Ngôi đền nằm sát biển, cạnh một bến thuyền. Kể từ khi đội Hoàng Sa không hoạt động, khoảng sau năm 1945, ngôi đình xuống cấp dần và sụp đổ. Chiến tranh cộng với những khó khăn thời hậu chiến, dân Lý Sơn hầu như không có điều kiện để trùng tu ngôi đền này. Năm 2008, một dự án tu bổ các di tích liên quan đến đội Hoàng Sa đã được tiến hành, trong đó có việc phục dựng lại đền An Vĩnh.

Theo cụ Võ Hiển Đạt, 87 tuổi, người đã gắn trọn đời mình với các di tích trên đảo Lý Sơn, thời còn đội Hoàng Sa hoạt động, cứ sau Tết âm lịch, dân đã rục rịch chuẩn bị đón các tờ lệnh của quan đầu tỉnh Quảng Ngãi. Nhận lệnh xong, các tộc họ trên đảo cùng với chính quyền địa phương tổ chức lễ xuất quân ngay tại ngôi đình An Vĩnh này. Các thủ tục cho mỗi lần xuất quân diễn ra rất thiêng liêng, trang nghiêm và cảm động. Hồi đó, đi Hoàng Sa bằng thuyền, dùng buồm hoặc chèo bằng tay chứ không phải thuyền máy như bây giờ nên những mối nguy hiểm luôn rình rập người ra đi. “Câu hát Người đi thì có mà không thấy về là nói đến những cuộc ra đi ngày ấy”, cụ Đạt nói.

Ngôi đình đã được trùng tu, đội Hoàng Sa cũng không còn nữa, song sự thiêng liêng của ngôi đình vẫn nguyên vẹn trong lòng mỗi người dân đất đảo. Người dân chài ven biển này đã lập Âm linh tự cạnh một bến thuyền thuộc xã An Vĩnh. Trước Âm linh tự có bia Chiến sĩ trận vong. Đây là nơi thờ những người lính Hoàng Sa đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Nếu như đình An Vĩnh là nơi làm lễ xuất quân thì Âm linh tự là nơi đón sự trở về của linh hồn những người lính đã khuất. Chính vì sự linh thiêng ấy nên ngôi đền này luôn được gìn giữ và hương khói quanh năm, dù những cuộc ra đi ấy đã chấm dứt từ lâu. Hằng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, hàng nghìn người dân trên đảo Lý Sơn đã đổ về đây để được tham dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Trên đảo Lý Sơn còn tồn tại một dạng mộ mà bên dưới không có xương cốt, gọi là “mộ gió”. Phần lớn những người lính làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa thời ấy đều hy sinh, xác của họ cũng mất tích luôn ngoài biển. Tưởng vọng những người lính đã hy sinh vì nghĩa lớn, dân Lý Sơn đã đắp những ngôi mộ gió này. Mỗi ngôi mộ như thế tương ứng với một người lính. Mộ cũng có tên tuổi người hy sinh, song bên dưới mộ chỉ có một hình nhân được làm bằng đất sét.  

Mật độ dân số ở Lý Sơn khá dày, quỹ đất ngày một hẹp lại song những ngôi mộ không có hài cốt ấy vẫn song hành với đời sống của người dân trên đảo, điều đó đủ thấy sự thiêng liêng của con cháu đối với những người đã ngã xuống vì chủ quyền của đất nước từ hàng trăm năm trước như thế nào. Những ngôi mộ gió ấy chẳng khác nào những cột mốc biên cương mà tiền nhân đã khắc tạc bằng chính xương máu của mình.

Thả thuyền và hình nhân thế mạng tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm.


Nếu như đình An Vĩnh, Âm linh tự và mộ gió là những bằng chứng “vật thể” về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa thì Lễ khao lề thế lính được xem như bằng chứng phi vật thể và Lý Sơn đã và đang tồn tại hàng trăm câu hát liên quan đến Đội Hoàng Sa này: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. 

Hằng năm, vào tháng hai âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ này. Nói “tế lính” cũng được và “thế lính” cũng không sai. Sau Tết âm lịch, khi trời yên bể lặng, những người lính trong đội Hoàng Sa lại lên đường. Họ như những chàng Kinh Kha một đi không trở lại: “Người đi thì có mà không thấy về”. Chính sự nguy hiểm ấy nên dân Lý Sơn mới tổ chức lễ khao lề để “tế” những người lính đã hy sinh trước đó, vừa làm những hình nhân để “thế mạng” cho những người lính ra đi hiện tại.

Trong Lễ khao lề, người ta làm những con thuyền tượng trưng bằng bè chuối. Mỗi thuyền như thế có 8 người lính hình nộm, được làm bằng bột gạo hoặc giấy. Trước khi Đội Hoàng Sa lên đường, thầy phù thủy đã “yểm bùa” vào những hình nhân này, mục đích là để người ra đi yên tâm lên đường. Những con thuyền và hình nhân thế mạng ấy đã được thả trôi tự do trên biển sau khi thầy phù thủy đã yểm bùa.

Dù đã có hình nhân và thuyền thế mạng, song mỗi người lính trong Đội Hoàng Sa đều chuẩn bị cho mình hành trang lên đường mà bất cứ ai khi nhìn vào đó đều không khỏi chạnh lòng: ngoài lương thực cho 6 tháng ăn còn có một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây và tấm thẻ bài ghi tên người lính. Tất cả những thứ này là để phòng xa, chẳng may hy sinh, đồng đội sẽ bó xác vào và thả trôi trên biển để người trong bờ có thể biết tông tích người đã chết. Còn  nếu chẳng may sóng nhấn chìm cả thuyền thì biển xanh kia sẽ là nghĩa trang của họ. 

Từ mấy trăm năm nay, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân Lý Sơn duy trì thường xuyên hàng năm. Nó là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của hai vạn dân trên đảo. Duy trì được lễ hội này là đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng ý thức và gieo vào lòng con cháu về một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước nơi Hoàng Sa.

Bàn giao tờ lệnh cho Bộ Ngoại giao.

Đội Hoàng Sa với những cuộc ra đi của những người lính để bảo vệ chủ quyền đất nước thì ai cũng biết thông qua các trang sách của các sử gia triều Nguyễn. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất để một lần nữa chúng ta khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa là Tờ lệnh từ thời Minh Mạng, điều động con em Lý Sơn và một số vùng ven biển Quảng Ngãi ra Hoàng Sa vừa được phát hiện.

Mới đây, nhân ngày giỗ họ, ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ xã An Hải, huyện Lý Sơn đã lục trong chiếc rương đựng nhiều tài liệu liên quan đến tộc họ một cuộn giấy toàn chữ Hán. Ông photo một bản và giao cho ngành văn hóa nhờ dịch nghĩa. Thật bất ngờ, đó là tờ lệnh của quan Án sát và Bố chánh Quảng Ngãi, vâng mệnh triều đình, điều động ba chiếc thuyền, trong đó có một chiếc do ông Đặng Văn Siểm ở Đồng Hộ này làm đà công (lái tàu). Tờ lệnh trên có ghi danh sách những người lính được điều động, kèm theo ngày tháng rõ ràng. Nội dung đã xác tín một điều từng được khẳng định trong chính sử: Từ hàng trăm năm trước, người Việt Nam đã có mặt tại Hoàng Sa theo lệnh điều động của nhà nước phong kiến thời bấy giờ. Tờ lệnh ghi ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834).
 
Mặc dù đã trải qua gần 200 năm với bao biến cố của lịch sử và sự khắc nghiệt của khí hậu vùng đất này, song dòng họ Đặng đã giữ gìn tờ lệnh gần như nguyên vẹn. Một sự trân trọng báu vật của tiền nhân không gì có thể so sánh hơn. Ý thức được tầm quan trong của bằng chứng này, ngày 10/4 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao tờ lệnh trên cho Bộ Ngoại giao. Một lần nữa, Việt Nam như gặp lại Hoàng Sa của cha ông từ mấy trăm năm trước. 

Theo Giadinh.net
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất