Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 25/5/2010 21:51'(GMT+7)

"Hàng Việt ở nông thôn": Nghe nhiều, thấy ít

Một điểm bán hàng tại chợ Quảng Bình.

Một điểm bán hàng tại chợ Quảng Bình.

Nhưng trên thực tế chưa mấy hiệu quả khi nhiều vùng nông thôn người dân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của cuộc vận động này, chưa nói đến một số doanh nghiệp lợi dụng chiêu bài “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để mưu cầu lợi ích riêng của mình.

Ở Quảng Bình, những ngày trung tuần tháng 5 vừa qua, chúng tôi về vùng nông thôn của huyện Lệ Thủy, đến xã nào cũng thấy tràn ngập hàng hóa của Trung Quốc, nhiều nhất là đồ chơi đến hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo… Trước các cổng trường học của xã Lộc Thủy, kẹo singgum, kẹo phát sáng Trung Quốc vẫn bán tự do. Chị Th. ở chợ Hôm, Tuy Lộc hàng ngày theo xe lên Lao Bảo mua hàng Trung Quốc, Thái Lan về bỏ mối ở chợ cho biết, người dân nông thôn thích hàng Trung Quốc không phải do bền mà do giá rẻ. Mặt khác giá chừng nào cũng có, nếu mới mua về bị hư hỏng sẽ được đổi lại ngay. Còn hàng Việt Nam, chất lượng đăng ký một đàng nhưng thực tế một nẻo! Khi được hỏi về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chị hầu như không biết gì, ngay nói chuyện với nhiều em học sinh ở Trường Trung học phổ thông huyện Lệ Thủy các em cũng trả lời chỉ nghe qua tivi còn làm thì chịu.

Đến chợ Tréo- thị trấn Kiến Giang, hàng đồ chơi Trung Quốc bày bán công khai không tem hợp chuẩn; còn đồ điện, điện tử, điện lạnh thì khỏi phải nói. Hỏi chuyện Ban quản lý chợ, ông cho biết chưa thấy tỉnh đưa hàng “Việt Nam” về phục vụ, giới thiệu, bán cho dân lần nào. Anh Hoàng Minh Hưng ở xã Lộc Thủy cho biết thêm, người dân nông thôn mất tin hàng Việt Nam vì các doanh nghiệp, đại lý đánh vào tâm lý người dân nông thôn thích hàng giá rẻ nên hay mang hàng quá đát, hàng kém phẩm chất về tiêu thụ ở các xã nông thôn. Anh đơn cử, năm 2009 anh mua một lon trà bí đao, xem còn hạn nhưng khi mở ra thì đục ngầu, có mùi như… nước cống. Lên trả lại, người bán hàng cho biết không riêng mình anh mà nhiều người đều bị như vậy.

Ở Quảng Trị, dân số nông thôn chiếm đến 75,5%, phân bố trên một địa bàn rộng lớn bao gồm cả miền núi, vùng gò đồi, ven biển… Tuy nhiên như ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. .

Đó là thực tế khi vào chợ trung tâm Đông Hà, hàng Thái Lan và Trung Quốc chiếm đến 70%. Trao đổi với chị Hương - hàng điện máy, chị cho biết, vì khách hàng vào chợ Đông Hà trên 40% là khách du lịch, khách vãng lai, đây là khách hàng tiêu tiền rất lớn và nhu cầu của họ cần thường là “ngoại” nên tiểu thương trong chợ nếu bán hàng nội cũng không mấy người mua! Chẳng riêng chợ Đông Hà, ngay các chợ huyện như Cam Lộ, Gio Linh, Hồ Xá, Quảng Trị… thì lượng hàng ngoại cũng chiếm tỷ lệ áp đảo vì thói quen dùng hàng “Thái” rất khó thay đổi của người dân ở đây. Khó đến nỗi ngay mua sắm ở nhiều công sở, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội vẫn ưu tiên hàng… ngoại, chưa nói đến ở lứa tuổi thiếu niên, đang đi học vẫn xem nhẹ hàng Việt.

Đề cập vấn đề này, nhiều người cho rằng, không phải Quảng Trị xem thường trái lại rất quan tâm là đàng khác. Tỉnh ủy Quảng Trị đã có Quyết định số 789/2010 thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động này. Đặc biệt mạng lưới thương mại và dịch vụ nông thôn phát triển rộng khắp. Trên 50 xã có chợ, chợ liên xã và chợ trung tâm cụm xã cùng hàng nghìn điểm thu mua nông sản, buôn bán vật tư phục vụ sản xuất, đời sống, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh nhất của tỉnh, đang phát triển mạnh loại hình chợ lưu động trên các phương tiện vận tải (bao gồm cả xe tải hạng nặng, hạng nhẹ và xe máy)… Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là phần lớn việc buôn bán trao đổi hàng hóa tiêu dùng ở địa bàn nông thôn do tư nhân điều tiết, chi phối. Vấn đề chủng loại, quy cách, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sử dụng hàng hóa... thường không được chú trọng, ngay các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, kiểm sóat cũng thả nổi. Chính vì vậy, khi đời sống được nâng cao nếu hàng nội không đáp ứng yêu cầu thì với tâm lý “sính hàng ngoại” , người nông dân Quảng Trị quay lưng với hàng nội là lẽ thường tình.

Tại Thừa Thiên Huế, trong Hội nghị sơ kết cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức mới đây, Ban chỉ đạo cho biết, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" được các doanh nghiệp trong tỉnh hưởng ứng tích cực, nhiều phiên chợ bán hàng khuyến mại đã được tổ chức tại xã vùng núi, vùng sâu thuộc huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới… của Công ty cổ phần Espace Business Huế; HTX Thương mại- Dịch vụ Thuận Thành, Xí nghiệp Thành Lợi; Công ty TNHH Coopmart Huế... Đặc biệt,trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đưa hàng về nông thôn phục vụ nhân dân với nhiều loại hình khuyến mại phong phú, hấp dẫn đã góp phần kích cầu tiêu dùng ngoài ra còn giúp người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng hóa của Việt Nam, giá rẻ chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường nông thôn chưa được thường xuyên do địa bàn rộng, mỗi phiên chợ bán hàng diễn ra 2-3 ngày, sự kết hợp giữa các thương nhân với doanh nghiệp trong việc đưa hàng về nông thôn phục vụ nhân dân còn thiếu chặt chẽ và chưa thống nhất, do đó từ tết đến nay việc đưa hàng về các chợ nông thôn hầu như vắng bóng.

Chưa nói đến, khá nhiều doanh nghiệp lợi dụng chiêu bài đưa hàng về nông thôn để mưu cầu lợi ích riêng. Có hội chợ, mặc dầu trương biểu ngữ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nhưng khi Quản lý thị trường vào kiểm tra thì hàng Việt chẳng có mấy gian, hàng hóa ngoại thì mập mờ phần lớn không nhãn mác, không nhãn phụ như quy định. Từ thực tế đó, không thể vận động người tiêu dùng nông thôn dùng hàng nội trong khi hàng hóa không đảm bảo yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả...

Phải nói rằng, nông dân Việt Nam rất yêu nước, người tiêu dùng nông thôn Việt Nam khá dễ tính nếu doanh nghiệp biết cách tiếp cận. Hàng hóa đáp ứng được yêu cầu, phù hợp túi tiền./.

(Theo: Báo Công thương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất