Xung đột tại Ukraine, những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra nạn đói trầm trọng ở những nước nghèo, các tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo đảm an ninh lương thực.
Theo trang imf.org của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 21/9, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, giải quyết các vấn đề cấu trúc thị trường và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Đây là lần thứ hai các tổ chức quốc tế ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Kể từ khi tuyên bố chung đầu tiên được đưa ra hồi tháng 4 năm nay, đã có những tiến bộ đáng kể. Các biện pháp trợ giúp xã hội được công bố hoặc thực hiện ở tất cả các nền kinh tế tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên nhờ những sáng kiến khác nhau. Hiện nay, WB đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Trong khi đó, IMF đề xuất biện pháp giảm "cú sốc" lương thực mới trong các công cụ cho vay khẩn cấp. Còn FAO đã đề xuất một loạt khuyến nghị chính sách và đưa ra bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Bảo đảm an ninh lương thực cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong phát biểu của các lãnh đạo thế giới tham dự Khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ). Trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, nước này sẽ đóng góp 2,9 tỷ USD để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ tài trợ chuyến tàu vận chuyển bột mì của Ukraine tới Somalia - quốc gia đang đối mặt với nạn đói. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng không có hòa bình khi còn đói kém và không thể chống đói kém khi hòa bình không tồn tại.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/9, Mỹ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu bên lề tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đại diện các nước tham dự đã tái khẳng định cam kết hành động khẩn cấp và ở quy mô lớn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp hàng trăm triệu người trên thế giới không bị đói.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã bị gián đoạn vì các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch, gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực ở những nước nghèo. Năm nay, cùng với hạn hán và mưa lũ, căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình khi giá năng lượng, thực phẩm và phân bón tăng cao. Mặc dù hiện nay hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen được nối lại, nhưng thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và các “cú sốc” thời tiết. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, xung đột Nga - Ukraine cùng với tác động kéo dài do COVID-19 gây ra đối với thương mại sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có./.
Lâm Anh (qdnd.vn)