Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 19/4/2009 21:19'(GMT+7)

Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam

Tập thể cán bộ khoa học nữ Haphaco nhận Giải thưởng Kovalevskaia.

Tập thể cán bộ khoa học nữ Haphaco nhận Giải thưởng Kovalevskaia.

Tại Hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội của Việt Nam xếp thứ 31 trên thế giới và dẫn đầu trong tám nước khối ASEAN có nghị viện. Khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục ngày càng được thu hẹp với kết quả là 0,894 so với mức quy định là 1. Chỉ số phát triển con người và chỉ số giới lần lượt đứng vị trí 105 và 109 trong số 177 nước, chỉ số khoảng cách giới đứng vị trí 68/130 nước. Với những thành tựu đạt được, Việt Nam được đánh giá là nước xóa bỏ nhanh nhất khoảng cách giới 20 năm qua ở khu vực Ðông - Nam Á.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ  (VSTBPN) Việt Nam giai đoạn 2006-2010 là "Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội". Trong gần ba năm thực hiện kế hoạch hành động, những kết quả nêu trên là đáng tự hào.

Nhưng khi xét kỹ năm mục tiêu được cụ thể bằng 28 chỉ tiêu và 58 giải pháp thực hiện của bản kế hoạch hành động VSTBPN, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mối lo ngại: "Việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động VSTBPN Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đang gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới  việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch hành động.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Kế hoạch hành động VSTBPN Việt Nam giai đoạn 2006-2010 sẽ đạt khoảng 55% số chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Có 27 chỉ tiêu thì đến năm 2010, chúng ta chỉ hy vọng đạt được 15 chỉ tiêu so với kế hoạch. Ðiều đáng lưu ý là mục tiêu số 4 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội có sáu chỉ tiêu nhưng cho đến nay chưa có chỉ tiêu nào đạt kế hoạch.

Thời gian chỉ còn hai năm nữa là kết thúc việc triển khai kế hoạch hành động, do đó, việc nhìn thẳng vào những tồn tại trong thực tế để giải quyết là việc  làm cần thiết để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ có hiệu quả hơn. Trong thực tế, tình hình thực hiện kế hoạch hành động ba năm qua, còn không ít những tồn tại bất bình đẳng giới trong lao động việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe và tham gia quản lý, lãnh đạo.

Hiện tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thấp hơn nhiệm kỳ trước, chỉ còn 25,7%, trong Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, từ 10 - 12% nay còn 8%, đặc biệt nữ Bộ trưởng bây giờ còn hơn 4%. Hiện nay, nhiều Ban Thường vụ Tỉnh ủy không có nữ, quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới có hàng chục tỉnh không có nữ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh cũng rất ít.

Trong xã hội phát triển, sự bình đẳng chỉ có thể đạt được khi có sự ngang bằng về trình độ, năng lực. Từ thực tế hoạt động, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, Phó trưởng Ban VSTBPN thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hà nêu lên những nguyên nhân khiến cho các hoạt động VSTBPN chưa đạt được hiệu quả: "Bộ máy hoạt động VSTBPN của Hà Nội các cấp bắt đầu được thành lập từ năm 1997, song thời gian đầu còn mang tính hình thức, hoạt động thiếu đồng bộ và rời rạc, chủ yếu là thực hiện chức năng chuyên môn của từng ngành...".

Có thể nói, thực tế này là khá phổ biến ở nhiều địa phương. Rõ ràng, vai trò của các cấp lãnh đạo trong việc thực hiện các hoạt động VSTBPN có ý nghĩa quyết định. Phó trưởng ban chuyên trách Ban VSTBPN tỉnh Long An Trần Thị Ngọc Phượng nêu kinh nghiệm của địa phương: "Ba năm qua, Ban VSTBPN Long An đã vận dụng sức mạnh tổng hợp từ các cơ quan, đơn vị đã thật sự làm cho hoạt động VSTBPN ngày càng mạnh. Qua 12 chuyến đi khảo sát, Ban đã làm việc với khoảng 40 đơn vị, gồm khoảng 15 - 20 đại biểu là lãnh đạo các ngành và huyện, thị xã để tìm hiểu thực trạng về công tác cán bộ nữ. Qua đó, đề xuất các chính sách sát hợp về công tác cán bộ nữ".

TS Vũ Ðăng Minh (Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ) cho rằng, có ba nguyên nhân làm cho tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp, bộ, ngành, địa phương chưa đạt là do: "Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nữ còn chậm và chưa đi vào nền nếp; việc triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ thiếu đồng bộ, chưa gắn nhiều vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cấp; một bộ phận  chị em còn tư tưởng tự ti, yên phận, chưa cố gắng vươn lên để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý". Qua đây, TS Vũ Ðăng Minh cũng đề xuất một số giải pháp sau: Cần tiếp tục nâng cao nhận thức quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ; chú trọng xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể; thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ; xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ nữ...

HỘI nghị sơ kết giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch hành động VSTBPN Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đã cho thấy nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt. Hiện tại, việc triển khai kế hoạch hành động cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của người phụ nữ. Thực tế này đòi hỏi chất lượng hoạt động của các ban VSTBPN của các cấp, các ngành phải được nâng cao hơn nữa, đi vào thực chất hơn, đòi hỏi sự thực hiện sát sao và có trách nhiệm hơn nữa của các cấp lãnh đạo. Có như vậy, việc thực hiện các chỉ tiêu mà kế hoạch hành động VSTBPN đề ra mới đạt kết quả mong muốn khi kết thúc vào năm 2010./.

(Theo: Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất