Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 10/6/2019 15:6'(GMT+7)

Hành trình đẹp nhất

Niềm vui gặp gỡ của các cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa và đại biểu thanh niên ưu tú của hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2019.

Niềm vui gặp gỡ của các cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa và đại biểu thanh niên ưu tú của hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2019.

ĐẠI BIỂU TRẺ NHẤT

Hai gương mặt nổi bật của hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” lần thứ 11 là Trần Thị Ngọc Huế và Nguyễn Trường Giang, đến từ tỉnh Đác Nông. Cả hai đều giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu về biển đảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đác Nông phối hợp Quân cảng Sài Gòn tổ chức. Phần thưởng là một chuyến đi Trường Sa.

Huế giành giải nhất bảng A, cho lứa tuổi dưới 16, có thể xem như đại biểu trẻ nhất đến với Trường Sa trong lịch sử. Em sinh năm 2003, đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Đác Song (huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông). Nếu như Trường Giang, chàng nông dân sinh năm 1989 của xã Đác Sắc, huyện Đác Min, gây ấn tượng mạnh bởi hàng trăm ki-lô-gam chanh dây cây nhà lá vườn làm quà ra đảo thì Huế nổi bật bởi… bé hạt tiêu nhất đoàn.

Trường Giang khiến hơn 200 người của đoàn hành trình rơi nước mắt khi đọc lại bài thuyết trình đầy cảm xúc, về những ngày tháng cùng bạn bè dõi mắt trên mỗi trang tin khi vùng biển chủ quyền Việt Nam bị xâm phạm, về quá trình biến đổi trong nhận thức của cậu về biển đảo. Bài thuyết trình đã góp phần để Giang giành giải nhất cuộc thi bảng B (bảng cho lứa tuổi trên 16). Khi Trường Giang vừa dứt bài thuyết trình, nguyên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Phó Giám đốc Học viện ngoại giao - đã lên ôm cậu: “Những ngày này 5 năm trước là những kỷ niệm không bao giờ quên của chúng tôi. Chúng tôi vất vả, nhưng những người ngoài kia còn vất vả gấp trăm gấp vạn lần. Những lời của Giang khiến cho một người đã đứng trước nhiều khó khăn, đã chịu nhiều áp lực như tôi cũng không kìm được xúc động. Vì chúng tôi được sống trong sự đồng cảm”.

Hành trình Trường Sa của Giang và Huế, có sự thay đổi rõ rệt. Cả hai đều bảo Trường Sa khác nhiều so với tưởng tượng, dù từng đọc bao nhiêu sách, viết cả mấy bài thuyết trình. Dù Giang từng đọc đi đọc lại những trang lịch sử, thậm chí viết cả một hoạt cảnh lấy cảm hứng từ sự hy sinh của anh hùng Trần Văn Phương, thuộc làu những câu chuyện về đảo chìm đảo nổi, cậu vẫn ngạc nhiên trước mỗi gốc dừa xanh trên đảo Sơn Ca, ngỡ ngàng với những cánh cò trắng ở Sinh Tồn Đông. Huế thì lần đầu xa nhà, lần đầu rời bố mẹ cho một chuyến đi dài, cô bé ngẩn người với những luống rau xanh mướt trên đảo chìm, say mê hòa vào những lời ca tiếng hát với những người lính trẻ ngoài khơi xa. “Chín ngày lênh đênh trên biển thăm 10 đảo và một nhà giàn, không chỉ mang đến cho em nhiều hiểu biết hơn về biển đảo Việt Nam mà còn cho em những niềm vui, làm quen với những con người tuyệt vời trên con tàu KN 490” - Huế tâm sự.

RỘN RÀNG TRƯỚC BIỂN XANH

Trong hành trình lần này, Mai Trâm (Nhà văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh) đã hoàn thành nhanh một vi-đê-ô clíp cho tác phẩm mới về Trường Sa mang tên “Hành trình đẹp nhất”. Gần như bài hát đã thành “tâm niệm” của các thành viên đoàn hành trình: “Hành trình đẹp nhất cuộc đời, tàu ta vượt sóng ra khơi. Niềm tin nối những nụ cười. Trường Sa! Trường Sa! Mầu cờ đỏ thắm biển trời, càng yêu Tổ quốc Việt Nam ơi” - đấy là lời hát của “Hành trình đẹp nhất”, và cũng là tiếng hát từ trái tim của hàng trăm trái tim tuổi trẻ.

Trong hơn 200 đại biểu trên tàu, có 70 đại biểu đoàn viên, thanh niên, 10 bạn trong số đó được lựa chọn qua nộp hồ sơ thi tuyển. Với Tòng Thị Nguyên, một trong 10 đại biểu được T.Ư Đoàn lựa chọn qua vòng thi tuyển, đây không chỉ là hành trình ý nghĩa đơn thuần mà còn là chuyến đi cuối cùng cuộc đời sinh viên: “Sinh ra bốn bề chung quanh em đều là núi, trải qua những cung đèo, dốc đá, em đã quen với cuộc sống nơi núi rừng, em luôn mong ước một lần được ra thăm biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khi đọc được thông tin tuyển chọn đại biểu tham dự “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, em nghĩ đó là một cơ hội quý báu để học tập và trải nghiệm, thật vinh dự và tự hào khi em may mắn được là một trong những đại biểu tham gia hành trình”. Cô gái dân tộc Thái không say sóng, thậm chí có những phút giây thăng hoa trong các màn biểu diễn trên tàu. Sau chuyến đi này, cô Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường đại học Tây Bắc sẽ tiếp tục công việc của mình, với một trái tim hiểu và yêu biển đảo nhiều hơn.

Huỳnh Thị Xuân Hiếu, dẫn chương trình của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, cũng là một thành viên được lựa chọn từ vòng phỏng vấn, đã tham gia hành trình bằng công việc sở trường: một MC, một biên tập viên. Hiếu làm việc gần như liên tục, từ vai trò phát thanh viên truyền tải bản tin trên tàu KN490, làm MC duyên dáng trong các buổi diễn văn nghệ trên đảo. Lúc nào cũng thấy cô gái có đôi mắt biết cười tất bật.

Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cho rằng: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã góp phần lan tỏa, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo, tình yêu dành cho lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam”. Với những gương mặt như Huế, như Giang, như Nguyên, đó là một trải nghiệm đáng nhớ, để không phải chỉ đến Trường Sa để có mặt ở mỗi cột mốc, sau tất cả, các bạn trẻ đều hiểu, trân quý và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phương Mai/Nhân dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất