Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 5/3/2017 21:36'(GMT+7)

Hát múa Ải Lao được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đồng chí Chu Thị Huế, Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi (thứ 2 từ trái qua) nhận Bằng công nhận hát múa Ải Lao là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Chu Thị Huế, Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi (thứ 2 từ trái qua) nhận Bằng công nhận hát múa Ải Lao là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sáng 5/3, UBND phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP. Hà Nội), tổ chức Lễ đón quyết định công nhận hát múa Ải Lao là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc lễ hội truyền thống Đình Hội Xá.

Dự lễ có đại biểu Thường trực Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Trưởng các ngành, đoàn thể quận Long Biên, phường Phúc Lợi và đông đảo nhân dân phường Phúc Lợi.

Ngày 16/9/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL, công bố 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có hát múa Ải Lao của phường Phúc Lợi. Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng, làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) và do phường Ải  Lao, làng Hội Xá (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP Hà Nội) thực hành biểu diễn.

Trong các loại hình nghệ thuật cổ của người Việt, Ải Lao là những điệu hát, điệu múa cổ và hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Không chỉ độc đáo bởi nhịp điệu, lối hát, hát múa Ải Lao còn mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa khá đặc sắc. Đây là một loại nghệ thuật trình diễn hát và múa thờ Thánh Gióng. Nhóm người thực hành, giữ gìn và trao truyền nghệ thuật trình diễn hát, múa này được gọi là phường Ải Lao. Lời ca của Ải Lao không chỉ thể hiện sự tôn kính và cảm tạ Đức Thánh Gióng mà còn tạo nên không khí vui tươi trong một lễ hội trang nghiêm với nhiều nghi lễ. Chính vì vai trò quan trọng của hát múa Ải Lao mà người dân nơi đây có câu “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”.

Trước đây, hát và múa Ải Lao chỉ biểu diễn ở Hội Gióng. Gần đây, Ải Lao còn biểu diễn ở hội làng Hội Xá (mồng 8 tháng Hai âm lịch), hội làng Đổng Xuyên (mồng 8 tháng Tám âm lịch) và một số lễ hội của thành phố hay quốc gia như: Lễ kỷ niệm 300 năm TP Sài Gòn, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội….

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Ải Lao, điển hình như bài viết: “Một lễ hội tôn giáo nước Nam (tại làng Phù Đổng - Bắc Kỳ)”, năm 1893 của nhà nghiên cứu người Pháp là G.Dumoutier; những ghi chép về “Hát và múa Ải Lao ở hội Phù Đổng (Bắc Ninh)” vào  năm 1937, 1938 của GS.TS Nguyễn Văn Huyên; GS Cao Huy Đỉnh xuất bản cuốn “Người anh hùng làng Gióng” năm 1969; nhà nghiên cứu Toan Ánh với bài viết “Hội Gióng và tục diễn lại sự tích Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân” đã miêu tả về hát và múa Ải Lao trong Hội Gióng năm 1969.

Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, nguồn gốc tên Ải Lao có hai giả thuyết. "Thứ nhất, do nước Ai Lao cung cấp phường múa hát hàng năm cho nhà Lý trong thời kỳ vương quyền Ai Lao hàng phục nhà Lý, nên phường múa hát ấy lấy tên là Ải Lao. Sau thời kỳ đó, nước Ai Lao không cung cấp nữa nên nhân dân Tổng Phù Đổng phải tổ chức trai trẻ làng Hội Xá chuyên trách. Thứ hai, theo nghĩa từ Hán thì Ải Lao có nghĩa là buộc trâu bò, nhắc lại chi tiết: Đoàn trẻ chăn trâu vội vàng buộc trâu bò, theo Ông Gióng đánh giặc. Sau khi Gióng lên trời, bà mẹ Gióng buồn, vì không thấy con về nữa nên đoàn trẻ chăn trâu ấy đến múa hát cho bà vui. Do đó mà có phường múa hát Ải Lao”.

Còn khi nghiên cứu về phường Ải Lao vào năm 1937, 1938, GS, TS Nguyễn Văn Huyên viết: “Theo truyền thuyết, phường Ải Lao có gốc ở Lào. Nước Lào hàng năm nộp cống cho vua Việt Nam một đội hát xướng. Lý Công Uẩn (thế kỷ XI) lúc trẻ ở trong chùa Kiến Sơ tại góc phía Tây của đền thờ. Để tỏ lòng nhớ công lao vị thần đối với đất nước, các vua kế nghiệp cứ theo truyền thống đó mà hiến thần những bài hát Lào. Sau đấy, khi nước Lào không triều cống cho nước Việt Nam nữa, nhà vua giao cho làng Phù Đổng, nằm bên sông Đuống thuộc phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh để tổ chức một đội hát xướng, để dâng thần điệu hát Ải Lao”.

Trước đây, phường Ải Lao thuộc làng Hộ Xá, là một xã thuộc Tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831) là tỉnh Bắc Ninh). Vào đầu đời Thành Thái (1889 - 1907), vì tên của làng kỵ húy nên làng phải đổi thành Hội Xá. Hội Xá xưa gồm có ba xóm: Xóm Thượng, xóm Giữa và xóm Trại.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Xá cùng với thôn Tình Quang, thôn Quán Tình thuộc về xã Trường Chinh, huyện Gia Lâm. Đến năm 1961, Hội Xá cùng với các thôn Thượng Đồng, Nông Vụ Trung, Nông Vụ Đông hợp thành xã Phúc Lợi. Năm 1965, thành lập xã Hội Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đến tháng 11/2003, quận Long Biên được thành lập, xã Hội Xá đổi tên thành phường Phúc Lợi. Do những thay đổi về địa giới hành chính như vậy nên hiện nay, phường Ải Lao nằm trên địa phận của làng Hội Xá xưa, nay là tổ dân phố số 1, 2, 3, 4, 5, 6 của phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Phát biểu trong buổi lễ đón quyết định công nhận hát múa Ải Lao là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Phạm Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Lợi nhấn mạnh: Chúng ta cần chung tay thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; cần đẩy mạnh việc xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật hát múa Ải Lao. Đồng thời, truyền dạy cho con cháu biết tôn trọng, lưu giữ công trình văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, như là bảo tồn tài sản có bản sắc riêng của vùng đất giàu lịch sử văn hóa./.

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất