Khi số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh thì tâm lý người dân xuất hiện việc coi con số nhiễm bệnh không còn mang nhiều ý nghĩa, mà thay vào đó là nỗi lo về những di chứng hậu COVID-19 để lại.
Nhắm trúng tâm lý của người dân, nhiều nơi “nở rộ” gói dịch vụ khám hậu COVID-19 với
đa dạng mức phí. Tình trạng loạn giá xảy ra khiến một số sở y tế, ngành
chức năng phải vào cuộc chấn chỉnh, yêu cầu không tăng giá các dịch vụ
khám chữa bệnh, không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức
khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết. Thế
nhưng tâm lý lo lắng, hoang mang của người dân thì vẫn còn đó, bởi không
phải F0 nào cũng kịp thời nhận ra tình trạng sức khỏe của mình để khám,
điều trị hậu COVID-19 khoa học và đúng cách.
Tâm lý sợ hãi một cách thái quá sau khi nhiễm COVID-19 xuất hiện do
nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động mạnh mẽ từ những luồng thông
tin thiếu chính xác, vô căn cứ lan truyền trên mạng xã hội về mối nguy
hại trầm trọng hậu COVID-19. Rồi các bài thuốc “truyền miệng”, gói thăm
khám, điều trị hậu COVID-19 được giới thiệu nhan nhản trên mạng xã hội,
trở thành lựa chọn của không ít người, dù triệu chứng không có gì bất
thường. Đó là chưa kể thời tiết đang ở giai đoạn chuyển mùa, nhiều người
bị cảm cúm hay xuất hiện những bệnh lý khác đã tự cho rằng mình bị di
chứng hậu COVID-19 và sốt sắng tìm đến bệnh viện, hay những địa chỉ theo
quảng cáo.
Trước thực trạng trên, để giúp người dân bớt lo lắng, các chuyên gia y
tế đưa ra khuyến cáo: Hậu COVID-19 không hề đáng sợ. Chúng ta sẽ không
còn hoang mang nếu hiểu rõ, hiểu đúng về nó. Theo ghi nhận, hầu hết
những biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm hay tử vong. Rất nhiều
trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu COVID-19 như mất
ngủ, mệt mỏi, lo âu kéo dài... chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tích cực
tập luyện, chế độ dinh dưỡng khoa học. Để không rơi vào tình trạng
stress, mỗi người cần biết cách tự điều chỉnh bản thân và giúp đỡ, động
viên người thân, đồng nghiệp, láng giềng... Nếu tiếp tục tự cường điệu
các dấu hiệu tiêu cực của sức khỏe, rất dễ dẫn đến sang chấn tâm lý. Cần
có tư duy mạch lạc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với cuộc sống
sẽ làm giảm nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu...
Thực tiễn cho thấy, ngành y tế đã có những bước chuẩn bị cho sự xuất
hiện của hội chứng hậu COVID-19 để giúp người bệnh điều trị kịp thời.
Điều quan trọng là người dân cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo chọn lọc
khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. Trong trường hợp xuất
hiện di chứng hậu COVID-19, cần lựa chọn khám bệnh tại cơ sở y tế uy
tín, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có giấy
phép của Bộ Y tế hay các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh. Việc tiêm
vaccine đầy đủ giúp hạn chế ca bệnh trở nặng cũng như nguy cơ bị ảnh
hưởng hậu COVID-19. Bởi vậy, thông tin cần biết từ giới chuyên môn về
các trường hợp cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện hậu COVID-19, phương pháp
điều trị theo triệu chứng và lưu ý khi nào cần đến bệnh viện... cho
phép chúng ta không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, lo lắng thái
quá.
Cùng với những biện pháp quyết liệt trong chấn chỉnh hành vi trục
lợi, ngành y tế và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về những di chứng có thể gặp
phải sau khi nhiễm COVID-19 và phương pháp điều trị khoa học. Không
phải ai nhiễm virus SARS-CoV-2 rồi cũng "bị hậu COVID". Sự hiểu biết đầy
đủ của mỗi người để tránh hoang mang và lựa chọn điều trị đúng cách,
cũng là liệu pháp để những dịch vụ khám, chữa bệnh loạn giá hậu COVID-19 không còn đất nảy nở, sinh sôi./.
Đào Hồng (qdnd.vn)