Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa giáo
Thứ Tư, 14/9/2022 6:1'(GMT+7)

Hậu Giang đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ

khai mạc Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022.

khai mạc Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022.

ĐỔI MỚI MẠNH MẼ VỀ TƯ DUY LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 30-KH/TU về tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); đồng thời tổ chức triển khai, quán triệt cho toàn thể đảng viên của Đảng bộ và tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân để thực hiện. 

Ngày 30/5/2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1020-CV/TU, ngày 13/8/2019 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư, chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức học tập, quán triệt Kết luận số 50-KL/TW đến toàn thể đảng viên thông qua đợt sinh hoạt chi bộ, kết quả có 100% chi bộ, đảng bộ cơ sở tổ chức cho đảng viên học tập. 
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 141a-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó 11/11 huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 11/6/2013 thực hiện Chương trình 141a-CTr/TU của Tỉnh ủy; Quyết định số 1499/QĐ-UBND ngày 06/9/2017 về việc Ban hành Đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền, học tập trong các Hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, học tập trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan báo, đài tổ chức thông tin, tuyên truyền về 5 quan điểm, mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể, 6 nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW, gắn với Chương trình 141a-CTr/TU của Tỉnh ủy.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xác định việc ứng dụng và phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội; xem đây là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để khoa học công nghệ phải có mặt trong tất các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Các cấp ủy, chính quyền đưa nội dung xây dựng, phát triển KH&CN vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm. Quan tâm công tác tôn vinh, khen thưởng kịp thời những nhà khoa học, đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.

Chính từ sự quan tâm đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ theo Nghị quyết 20-NQ/TW từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ được người dân đón nhận và đã đi vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao giá trị cho các loại cây trồng, vật nuôi. 

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ, TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đổi mới cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN từng bước được đổi mới, thực hiện công khai, minh bạch,...; phát huy cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức hoạt động KH&CN thông qua việc mời lãnh đạo của các ban, ngành, các tổ chức KH&CN liên quan làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn KH&CN trong việc xác định danh mục đề tài, dự án; xác định cụ thể đơn vị tiếp nhận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học sau khi đề tài, dự án được tổng kết - nghiệm thu, kết thúc.

Các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng và phát triển KH&CN, các đề tài, dự án thực hiện tại cơ sở bám sát hơn theo nhu cầu, mục tiêu phát triển của địa phương, đơn vị và gắn với nhu cầu của tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả. Từ đó, hạn chế được vấn đề lãng phí trong thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Tỉnh đã quán triệt và vận dụng các chủ trương, chính sách phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được một số kết quả nhất định, từng bước xây dựng cơ sở vật chất về tiềm lực KH&CN góp phần phát triển KH&CN, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. 

Thực hiện các văn bản của các bộ, ban ngành Trung ương, Hậu Giang đã ban hành nhiều quyết định, quy định, cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch,…quan trọng trong lĩnh vực KH&CN, góp phần ổn định công tác quản lý, triển khai hoạt động KH&CN như: Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang; Quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh; Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh; áp dụng cơ chế khoán đối với các nhiệm vụ từ năm 2016 theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC của liên Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tài chính Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, được ban hành vào ngày 30/12/2015 và có hiệu lực từ 15/02/2016.

Mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là một trong những kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ tỉnh.

Mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là một trong những kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ tỉnh.

Tỉnh đã áp dụng hình thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thông qua hình thức này, các sở, ban ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của ngành, địa phương đề xuất đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ khi được thông qua sẽ thông báo rộng rãi để tuyển chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện. Điều này đã tạo được môi trường nghiên cứu bình đẳng, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng mở rộng đến các Viện, Trường, Trung tâm, Tổ chức nghiên cứu trong cả nước. Số lượng các nhiệm vụ đưa vào triển khai ứng dụng thực tế ở tỉnh quy mô ngày càng mở rộng, dần đi vào chiều sâu. 

Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang hoạt động, có lập quỹ khoa học và công nghệ: (1) Công ty CP phân bón quốc tế Âu Việt, sản xuất phân bón hữu cơ; (2) Công ty Cổ phần Việt Nam Food Hậu Giang, sản xuất Dịch đạm tôm và Dịch Chiết xuất từ tôm; (3) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ươm tạo LV, xây dựng, cung cấp các phần mềm máy tính để triển khai ứng dụng trong quản lý, phát triển công nghệ và đào tạo.

Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ

Hậu Giang đã và đang áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nên các nhiệm vụ được triển khai mới đều có địa chỉ ứng dụng, các kết quả sau nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tranh thủ được sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình cấp thiết phát sinh nhằm phục hồi và phát triển vùng cây có múi ở Hậu Giang (cam Sành, cam Mật, cam Xoàn), tạo sản phẩm hàng hoá với khối lượng lớn, chất lượng tốt đáp ứng cho nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân; bảo đảm nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm khóm mang chỉ dẫn địa lý. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, phát triển vùng sản phẩm tập trung có chất lượng cao với sản lượng lớn và tạo môi trường phát triển bền vững cho sản phẩm khóm Cầu Đúc - Hậu Giang; ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong phòng trừ hiệu quả bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi và bệnh thán thư trên cây xoài, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất cây ăn trái tại Hậu Giang.

Ba năm gần đây, nhờ trồng cam sành, nhiều nông dân xã Đông Phước, Châu Thành, Hậu Giang đã trở thành tỷ phú với mức thu nhập cao nhất trong tỉnh.

Ba năm gần đây, nhờ trồng cam sành, nhiều nông dân xã Đông Phước, Châu Thành, Hậu Giang đã trở thành tỷ phú với mức thu nhập cao nhất trong tỉnh.

Dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) được thuê của doanh nghiệp để phục vụ các ứng dụng chính của tỉnh, bao gồm: Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Tỉnh ủy và Trang thông tin điện tử của các sở, ban ngành, địa phương, phần mềm quản lý văn bản, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội... đảm bảo tốc độ truy cập, an toàn thông tin. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh hoạt động 24 giờ/7 ngày, đóng vai trò backup cho các ứng dụng, phần mềm, cơ sở dữ liệu của Tỉnh, đảm bảo khả năng khôi phục hoạt động của các ứng dụng này khi có sự cố. Các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời đưa vào sử dụng và đạt hiệu quả cao.

Cổng thông tin điện tử tỉnh được xây dựng mới và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 15/7/2020, gồm 55 cổng thành phần của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và 5 cổng, trang độc lập của các đơn vị. Cổng được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của trung ương và địa phương, các hoạt động, sự kiện của của tỉnh, của ngành cũng được đăng tải kịp thời và chính xác, thể hiện được vai trò cung cấp thông tin chính thống của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; đồng thời, từng bước đẩy mạnh quá trình minh bạch thông tin, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan và nhu cầu khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân; Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống Một cửa điện tử: triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; hệ thống triển khai tập trung, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu theo hướng dẫn tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Cổng đã cập nhật 1.853 thủ tục hành chính thuộc danh mục thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh, trong đó, cung cấp 1.260 dịch vụ mức 4, 136 mức 3 và 457 mức 2. 

Đến 12/11/2021, Tỉnh đã công khai 715 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT: Tham gia chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương xây dựng Đề án thành lập khu CNTT tập trung tỉnh Hậu Giang, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (chủ trương theo Công văn số 1876/UBND-NC ngày 01/10/2021). Sở đang xây dựng dự thảo Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung.

Đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ 

Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực, cụ thể: Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc Ban hành Quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang. Kết quả, thông qua hình thức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (55/96 đề tài, dự án do các nhà khoa học, chuyên gia ngoài tỉnh thực hiện, chiếm 57,3% tổng số), mời tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học,…

10 năm qua tỉnh đã thu hút được trên 1000 lượt nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ngoài tỉnh tham gia, giúp tỉnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong 5 năm gần đây, Dược Hậu Giang liên tiếp dẫn đầu trong cuộc đua đổi mới công nghệ, con người và chất lượng quốc tế, đóng góp vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu một tỷ USD dược phẩm trong năm 2030. Theo đại diện Dược Hậu Giang, công ty vẫn kiên trì với kế hoạch trở thành

Trong 5 năm gần đây, Dược Hậu Giang liên tiếp dẫn đầu trong cuộc đua đổi mới công nghệ, con người và chất lượng quốc tế, đóng góp vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu một tỷ USD dược phẩm trong năm 2030.

Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ 

Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN đủ về số lượng, có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH của tỉnh, phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. 

Từ sự đổi mới tư duy mạnh mẽ trong phát triển KH&CN, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với phát triển KH&CN, Hậu Giang đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong các lĩnh vực. Đến năm 2021, quy mô nền kinh tế của Tỉnh đạt 39.726 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD, gấp 30 lần năm 2004 (năm 2004 là 4.678 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 18 năm đạt 7,1%; trong đó giai đoạn 2004 - 2010 tăng 12,1%, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 6,27%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,26%. Khu vực I: Tăng trưởng khoảng 2,25%/năm, khu vực II: Tăng trưởng khoảng 12%/năm, khu vực III: tăng trưởng khoảng 6%/năm.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2021 đạt 54,4 triệu đồng/năm, tương đương 2.3467 USD, gấp 9 lần so với năm 2004, bằng 96% mức thu nhập bình quân đầu người của vùng và bằng 82% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước.

Cơ cấu kinh tế khu vực I, II, III năm 2004 là: 45,59% - 28,71% - 25,7%, đến năm 2021, cơ cấu kinh tế khu vực I, II, III là: 27% - 24,4% - 38,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,8%. Trong 18 năm, tỷ trọng khu vực I đã giảm 18,6%, bình quân mỗi năm khu vực I giảm 1,1%.

Trong những năm tới, Hậu Giang tiếp tục xác định phát triển khoa học và công nghệ là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững Hậu Giang. Tăng cường, ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người, quốc phòng, an ninh trọng yếu; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xác định rõ hơn nguyên tắc trong chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ là: theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng; đẩy mạnh vị trí doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo./.

 Lê Công Lý

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất