Thứ Tư, 27/11/2024
Tiến tới Đại hội XII của Đảng
Thứ Năm, 15/10/2015 14:46'(GMT+7)

Hậu Giang: Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020

Toàn cảnh đại hội

Toàn cảnh đại hội

Đến dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng-Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; các đồng chí lãnh đạo các Ban, cơ quan Đảng của Trung ương; lãnh đạo Quân khu 9; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… cùng 320 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 30.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

 
 Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo đại hội


Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2010-2015. Báo cáo nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 13,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa; tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng. Quá trình đô thị hóa khá nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tăng dần từ 21,3% năm 2010 lên 24,7% năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 0,68%, đạt mức trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống của nhân dân đã có bước cải thiện khá rõ nét, giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng/người( tương đương 1699 USD) gấp 2,3 lần năm 2010 và bằng 81% mức bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch dần theo hướng tích cực; giá trị sản xuất khu vực I tăng bình quân 6,64%/năm, giá trị tăng thêm tăng bình quân 3,86%/năm (KH 3,5- 4%); chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đạt 14.233 tỷ đồng, xây dựng 12 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 22,2% tổng số xã trong tỉnh. Đặc biệt, thị xã Ngã Bảy được công nhận “đạt chuẩn nông thôn mới”.
 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội ngày càng tiến bộ, có bước phát triển. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,9% năm 2015. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao tiếp tục phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được phát huy. Công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo.

Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phấn đấu đưa Hậu Giang  trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.  Đại hội xác định 18 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015 - 2020 là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm 2%. Lao động qua đào tạo đạt 50%, giải quyết việc làm cho 75.000 lao động/năm. Hàng năm, tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh đạt 45 -50%, kết nạp từ 5.000 đến 6.000 đảng viên. Giữ vũng ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững và đảm bảo khối đại đoàn kết dân tộc; kiềm chế, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội

Với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, Đại hội chỉ rõ những khuyết điểm yếu kém là: kinh tế chuyển dịch chưa vững chắc. Một số lĩnh vực hoàn thành chưa cao . Văn hóa xã hội có mặt còn chuyển biến chậm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điều hành của chính quyền ở một số nơi còn yếu kém. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể quần chính trị - xã hội ở một số nơi hiệu quả chưa rõ nét...

Tại Đại hội, một số đại biểu tham luận làm rõ thêm những ưu điểm, hạn chế nhiệm kỳ qua và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 -2020. 

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao và biểu dương những thành tựu quan trọng và khá toàn diện mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua.Và chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, như trong Báo cáo chính trị vừa được trình bày. 

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hậu Giang còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, nhất là thế mạnh về đất đai, tài nguyên khoáng sản cần được khơi dậy và phát huy hiệu quả. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, làm rõ: 

Trước hết, cần phải tập trung cho sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng tốt, gắn với công nghiệp chế biến để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản xuất. Trong đó, chú ý đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Bàn kỹ giải pháp, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng, các viện, trường, các nhà khoa học. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa một cách hài hòa. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành có nhiều lợi thế, trước hết là công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản. Coi trọng phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là thương mại, du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Hai là, tích cực huy động, khai thác các nguồn lực để từng bước đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển. Trong nhiệm kỳ tới, nguồn lực ngân sách nhà nước còn khó khăn, do vậy nguồn lực quan trọng để đầu tư cho phát triển nhanh là phải khai thác các nguồn vốn nước ngoài, vốn từ các thành phần kinh tế và nguồn lực từ nhân dân. Cần phải có những giải pháp thật quyết liệt, năng động, sáng tạo, vận dụng cơ chế chính sách của Trung ương, đồng thời xúc tiến cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất và kinh doanh trên địa bàn; góp phần để Hậu Giang phát triển đi lên.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, các hoạt động văn hóa, thể thao, thực hiện chính sách an sinh xã hội; trong đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là khâu đột phá chiến lược. Quan tâm công tác đào tạo nghề cho người lao động để cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật, có tay nghề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Đây là vấn đề bức xúc, có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn đối với tỉnh nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Thực hiện kiên quyết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Năm là, phải thật sự coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một cách kiên quyết, kiên trì gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nêu cao tinh thần đoàn kết; quan tâm đổi mới công tác cán bộ, xem đây là khâu quyết định để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra.

Với tinh thần dân chủ, công khai Đại hội tiến hành bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 52 ủy viên với số phiếu tín nhiệm cao.

Ngày mai 16-10-2015, Đại hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 và bế mạc/.

Trung Tín 



 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất