Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 10/12/2011 18:3'(GMT+7)

HĐND các địa phương thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

* Trong hai ngày 8 – 9/12, HĐND tỉnh Bến Tre ( khóa VIII ) đã tiến hành kỳ họp thứ 3 đánh giá tình hình phát triển KT – XH năm 2011 và thông qua 19 nghị quyết ( NQ ), trong đó có NQ về các chỉ tiêu và những giải pháp phát triển KT – XH năm 2012.

Xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh và bảo đảm cho an sinh xã hội của tỉnh, năm 2012, Bến Tre tiếp tục xây dựng và phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững. Tỉnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương để tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm như: nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai và hệ thống cống thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, đảm bảo yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời tiếp tục triển khai dự án cải tạo, thâm canh 5.000 ha dừa kém hiệu quả để cho năng suất cao, trồng xen 10.000 ha ca cao trồng vườn dừa, cây ăn trái, đầu tư và nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tại kỳ họp này đã thông qua NQ về Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bến Tre; theo đó, từ nay đến 2015, có 25 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới và đến 2020 các xã còn lại đạt cơ bản tiêu chí nông thôn mới. Với những cố gắng và kết quả đạt được trong năm 2011, Bến Tre phấn đấu trong năm 2012 tăng trưởng kinh tế đạt 10%, kim ngạch xuất khẩu 430 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn 1.250 tỉ đồng, kéo giảm hộ nghèotừ 13% xuống còn 11%...

HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về ban hành chính sách trợ cấp kinh phí đào tạo và thu hút người có trình độ, năng lực về công tác ở Bến Tre. Theo đó, cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học, mức trợ cấp là: Tiến sĩ: 100 triệu đồng, Thạc sĩ: 50 triệu đồng, Bác sĩ, dược sĩ đi học chuyên khoa cấp II: 50 triệu đồng, chuyên khoa cấp I: 30 triệu đồng. Đối với người có trình độ, năng lực lực tốt về công tác ở Bến Tre, được trợ cấp: Tiến sĩ: 300 triệu đồng, Thạc sĩ: 100 triệu đồng, Bác sĩ chuyên khoa cấp II: 100 triệu đồng, Bác sĩ chuyên khoa cấp I: 60 triệu đồng, Bác sĩ: 50 triệu đồng. Người tốt nghiệp Đại học tình nguyện về công tác tại xã, phường, thị trấn trong tỉnh được hưởng trợ cấp khó khăn thêm 15% ( nhằm đảm bảo 100% mức lương khởi điểm ) trong thời gian tập sự. Sau khi được tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh công chức, cán bộ chuyên trách được hưởng trợ cấp một lần 15 triệu đồng.

* Từ ngày 6 đến 9/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã tiến hành kỳ họp thứ 3 để kiểm điểm tình hình thực hiệm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị năm 2011; thông qua các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2012.

Năm 2012, tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp bền vững, toàn diện, có hệ thống trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển theo chiều sâu, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nền kinh tế, với việc thực hiện nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất...Tỉnh ưu tiên phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm hỗ trợ đắc lực cho thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư; đổi mới công tác thu hút vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế, của Chính phủ và phi Chính phủ để xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội... Các đại biểu đã thảo luận và thông qua các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2012. Theo đó, Đắk Nông phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 19,20%, sản lượng lương thực đạt trên 341.905 tấn, nâng giá trị sử dụng đất nông nghiệp lên bình quân 40 - 45 triệu đồng/hecta, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 1.225 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% trên tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5 - 6% so với năm 2001...

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt hơn 19%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 965 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 370 triệu đô la Mỹ, tạo 17.000 việc làm mới và đào tạo nghề cho khoảng 9.500 người...

* Từ ngày 7- 9/12, HĐND tỉnh Hoà Bình đã họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Hoà Bình đặt ra mục tiêu trọng tâm của năm 2012 là phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp phát triển văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 11%, thu nhập bình quân đầu người 17,8 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước 1.808 tỷ đồng, sản lượng lương thực cây có hạt 36,68 vạn tấn, trồng rừng mới 7000 ha, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 24,5%...Hoà Bình đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện, trong đó tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển vùng động lực, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung vào phát triển chăn nuôi và nông sản, thực phẩm sạch tạo thành vành đai thực phẩm phía Tây thành phố Hà Nội.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết về việc quy định thu lệ phí trước bạ 10% đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, kể cả xe bán tải vừa chở người, vừa chở hàng. Ban hành giá các loại đất năm 2012 trên địa bàn tỉnh cơ bản như năm 2011.

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoà Bình ước đạt 10,2 %, thu nhập bình quân đầu người 15,57 triệu đồng, tạo việc làm cho 16.000 lao động, thu hút 6 dự án đầu tư nước ngoài với nguồn vốn đăng ký 112 triệu USD và 54 dự án trong nước trị giá 7.400 tỷ đồng.

* Từ ngày 6-9/12, HĐND tỉnh Long An khoá VIII tiến hành kỳ họp thứ 4 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và bàn các biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Năm 2012 tỉnh Long An tập trung huy động các nguồn nhân lực xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, điện, nước; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ và các công trình trọng điểm. Toàn tỉnh phấn đấu đưa tốc động tăng trưởng kinh tế từ 12-12,5%, GDP bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động... Để đạt chỉ tiêu trên, Long An triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, dự báo. Tỉnh kiên quyết xử lý 12.600 ha đất của các dự án đã "treo" nhiều năm nay. Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như dự án đường Long Hậu - Tân Tâp, đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hoà Khánh, đường nối tiếp N1 đoạn từ quốc lộ 62-kênh 79...Thương mại, dịch vụ cũng được Long An ưu tiên phát triển, trong đó tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt 12,2%, sản xuất nông nghiệp tăng 5,7%, lâm nghiệp tăng 1,4%, thuỷ sản tăng 3,4%, công nghiệp tăng 17,6%, xây dựng tăng 17%, thương mại - dịch vụ tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá 12,1%.

* Trong 3 ngày từ 7-9/12, HĐND tỉnh Quảng Trị khoá VI đã tổ chức kỳ họp thứ 3 thông qua báo cáo đánh giá tình hình KT-XH, QP-AN năm 2011, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2012; Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2012, chi ngân sách địa phương năm 2012 của tỉnh và các huyện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện; Đề án phân loại đường phố và đơn giá các loại đất năm 2012,...

Trong năm 2012, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 10%; đạt GDP bình quân đầu người khoảng 26,5 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 67 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.460 tỷ đồng; trồng mới rừng tập trung từ 5.000-5.500ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 22,7 vạn tấn...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị đề ra 8 giải pháp tổng hợp chủ yếu, trong đó thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển; thực hiện chính sách tạo việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội,....

Tại kỳ họp lần này, nhiều vấn đề bức xúc của cử tri đã được nêu ra, như vấn đề nguồn giống cho vụ sản xuất Đông-Xuân bị hư hỏng do thiên tai; vấn đề khai thác khoáng sản trái phép gây ô nhiễm sông Đakrông; Việc thi công chậm dự án cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Đông Hà-Quảng Trị gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân trong khu vực; vấn đề thiếu biên chế cho giáo viên vùng núi,...

* Từ 7 đến 9/12, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng quyết định các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những năm tiếp theo. Theo đó, các đại biểu đã được nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung như: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách năm 2012, phân bổ dự toán ngân sách năm 2012; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ bản và sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư và phát triển; thông báo của Uỷ ban MTTQ tỉnh về việc tham gia xây dựng chính quyền; báo cáo của UBND tỉnh về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình hình vi phạm pháp luật, tình hình tội phạm; nội dung về bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh... Năm 2011, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tổng sản phẩm - GDP đạt 6.958 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng 21,28%; công nghiệp, xây dựng chiếm 41,77%; dịch vụ chiếm 36,95%. Trong năm 2012, tỉnh Thái Nguyên đặt kế hoạch phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 11% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 16-17%, tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm đạt trên 2%... Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thảo luận và biểu quyết thông qua 16 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Cũng tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên đã biểu quyết miễn nhiệm và bầu bổ sung đối với một số chức danh của UBND tỉnh.

* Tại kỳ họp thứ 3 diễn ra từ ngày 6- 9/12, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V đã ra nghị quyết về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015, với tổng mức đầu tư trên 755 tỷ đồng và mục tiêu đặt ra là nâng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2015.

Trong nguồn vốn nói trên, phần lớn dựa vào vốn tự có của doanh nghiệp và nhân dân (hơn 429 tỷ đồng), vốn liên doanh, liên kết (hơn 239 tỷ), số còn lại là nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, chỉ gần 87 tỷ đồng. Kế hoạch này gắn liền với việc trồng mới 1.290 ha rừng phòng hộ, gần 8.280 ha rừng sản xuất và trồng lại 4.495 ha rừng sau khi khai thác; đồng thời giao khoán bảo vệ hơn 100 nghìn ha rừng do dân và doanh nghiệp. Để khuyến khích người dân, tỉnh Khánh Hòa đã nâng mức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi tham gia trồng và bảo vệ rừng cao hơn mức quy định của trung ương từ 641 nghìn đồng- 1,6 triệu đồng/ ha.

Thông qua kế hoạch này, Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành đề án giao và cho thuê rừng, đến năm 2015 toàn bộ diện tích rừng đều có chủ, thực sự thuận lợi cho người được giao, được thuê rừng và đất lâm nghiệp để sản xuất, kinh doanh có lãi và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

* Từ ngày 7-9/12/2011, HĐND tỉnh Tây Ninh đã họp phiên cuối năm nhằm thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2011; thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2012.

Mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế, xã hội năm 2012 được HĐND tỉnh thông qua là: Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo chuyển biến về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và phát triển đô thị, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội.

Một số chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong năm 2012 là: Tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng 14% so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.380 USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400.000 USD, tăng 20% ; thu ngân sách 4.500 tỷ, tăng 17,6% so với 2011; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, hộ nghèo giảm 2%...

Tỉnh đưa ra 11 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội năm 2012 là: Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các tuyến huyết mạch giao thông trọng yếu để phục vụ phát triển công nghiệp, các khu kinh tế cửa khẩu và vận chuyển hàng hóa vùng nông thôn; tạo chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, có công nghệ dễ gây ô nhiễm môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, đạt hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, lắng nghe ý kiến của người dân để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

* Từ ngày 6 - 9/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lai Châu, khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016, đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 3, đặc biệt đã thông qua 19 Nghị quyết quan trọng, trong đó có 11 Nghị quyết chuyên đề. Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011. Và phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan, toàn diện những thuận lợi, khó khăn, những thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã xác định mục tiêu của năm 2012 và trong thời gian tới. Các Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp gồm: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu năm 2012; Bổ sung Quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2009, Quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2010; Dự toán và phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2012; Kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2012; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 – 2015; Chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu năm 2012; Chương trình giám sát của HĐND tỉnh Lai Châu năm 2012; Giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2012; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 – 2015; Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Lai Châu đến năm 2015; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 – 2020; Chương trình phát triển đô thị thị xã Lai Châu đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2013 và thành lập thành phố Lai Châu vào băm 2015; Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú bậc THPT trên địa bàn tỉnh Lai Châu...

* Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVII đã thông qua 24 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh Phú Thọ tập trung duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên trong năm 2012. Thông qua các Nghị quyết nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, thể hiện rõ định hướng của tỉnh trong vận dụng và cụ thể hóa các nghị quyết, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo tiền đề và động lực phát triển kinh tế-xã hội. Tại kỳ họp một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2012 cũng được xác định như: Thực hiện tốt 3 khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch; đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; chú trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, đảm bảo phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Dự kiến GDP tăng 9,5-10,5%, phấn đấu tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển đạt 13,8-14 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 15-16 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%...

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất