Chủ Nhật, 2/6/2024
Đồng Nai đổi mới và phát triển
Thứ Tư, 4/12/2019 11:21'(GMT+7)

HĐND tỉnh Đồng Nai: Thảo luận và đánh giá nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên làm việc sáng 4-12, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên làm việc sáng 4-12, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX.

Tại kỳ họp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo về việc tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị của cử tri. HĐND tỉnh báo cáo 5 nội dung liên quan đến hoạt động năm 2019 của HĐND tỉnh, báo cáo giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh... Đồng thời, kỳ họp cũng xem xét 22 tờ trình của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Năm 2019, Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao, xã hội phát triển ổn định. Có 25/28 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thực hiện đạt và vượt. Trong đó có 2 chỉ tiêu vượt cao so với mục tiêu Nghị quyết gồm: đưa vào sử dụng nhà ở xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong lĩnh vực kinh tế, một số điểm sáng nổi trội là GRDP tăng hơn 8%, đạt mục tiêu Nghị quyết; GRDP bình quân đầu người đạt 4.810 USD (mục tiêu Nghị quyết 4.510 - 4.600 USD). Sản xuất công nghiệp tăng 8,7%; sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,7%; thương mại - dịch vụ tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt kế hoạch năm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá, tuy còn 3 chỉ tiêu chưa đạt nhưng năm 2019, Đồng Nai có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, năm 2019, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020 đóng vai trò rất quan trọng, Đồng Nai tiếp tục đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng cho từng lĩnh vực. Tỉnh Đồng Nai nỗ lực để GRDP tăng 8-9% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 5,3 ngàn USD (tương đương khoảng 124 triệu đồng/người); kim ngạch xuất khẩu tăng 10-11% so với năm 2019; có thêm 5-7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về lĩnh vực xã hội tỉnh đưa ra kế hoạch tiếp tục giảm 1,5 ngàn hộ nghèo, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, quản lý chặt chẽ không để phát sinh dịch bệnh trên người, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hoàn thành nhiệm vụ giao quân cho năm 2020...

Qua báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cho thấy, năm 2019, cử tri các địa phương quan tâm và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, dự án chậm tiến độ kéo dài, “tín dụng đen”, “xã hội đen” còn lộng hành… Bên cạnh đó, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở nhiều nơi thực hiện chưa tốt, cần phải sớm điều chỉnh.

Công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh cho thấy, nhiều nội dung phản ảnh của cử tri được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, trả lời cử tri. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những cơ quan trả lời chưa đúng với nội dung như: xem xét không thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp ghi nợ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sớm chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân thuộc dự án cải tạo khôi phục quốc lộ 20, dự án nạo vét suối Nước Trong; hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tổ trưởng tổ nhân dân...

Đánh giá về công tác giám sát, trả lời kiến nghị của cử tri, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: “Các đợt giám sát, nhiều cử tri phản ảnh liên tục tình trạng các dự án kéo dài không thực hiện làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do đó, cử tri đề nghị chính quyền kiểm tra lại các dự án, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp triển khai dự án. Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng còn nhiều bất cập, làm thẻ chậm, chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo...”.

Đại biểu Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Nhiều cử tri phản ảnh tình trạng “tín dụng đen” vẫn diễn ra phức tạp. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc, huyện Xuân Lộc phát hiện bắt giữ đường dây lớn hoạt động “tín dụng đen” nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được tận gốc vì luật pháp vẫn còn một số kẽ hở để các đối tượng lợi dụng”.

Tình trạng “xã hội đen” lộng hành ở một số địa bàn trong thời gian qua gây bất an cho người dân trong tỉnh. Đơn cử như vụ việc băng nhóm giang hồ vây xe công an tại phường Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa) hoặc các băng nhóm “xã hội đen” tranh chấp đất đai của người dân ở nhiều địa phương... Ngoài ra, cử tri phản ảnh gần đây nổi lên vấn đề xây dựng trái phép, phân lô bán nền đất nông nghiệp, doanh nghiệp lừa người dân bán dự án “ma”. Đặc biệt là vụ Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (thành phố Hồ Chí Minh) đã mở bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai lừa hơn 600 người dân mua đất với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng...

Liên quan đến vấn đề này, trước kỳ họp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, chính quyền địa phương, lực lượng công an phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện các vụ việc tiêu cực trên để xử lý kịp thời. Tình trạng trên phải được giải quyết, không để tiếp tục xảy ra trong năm 2020.

Trong kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh trình 22 nội dung quan trọng. Trong đó gồm danh mục các dự án sử dụng, thu hồi đất trong năm 2020; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường bộ năm 2020-2030; chủ trương đầu tư một số dự án; chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh; quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh; hỗ trợ nông dân phát triển thủy lợi nhỏ...

Năm 2020, Đồng Nai cân đối và chi gần 13,87 ngàn tỷ đồng cho đầu tư công. Nguồn vốn trên sẽ từ Trung ương phân bổ, thu xổ số kiến thiết, khai thác quỹ đất và nguồn vốn ngân sách tập trung./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất