Hôm nay (19/6/2009), Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak đánh giá việc “tái khẳng định” vai trò đầu tàu của Mỹ tại Cận Đông mở ra một cơ hội hiếm có để ký kết một nền hòa bình giữa Israel và Palestine.
Ông Moubarak đã giải thích trong một diễn đàn của tờ Wall Street Journal rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ thiện chí đưa ra sáng kiến hòa bình trong khu vực và các nước A-rập sẽ nghiên cứu theo hướng trên.
Tổng thống Ai Cập viết: “Một thỏa thuận thực sự đang nằm trong tầm tay, sẽ tạo cho người Palestine Nhà nước của riêng mình và giải phóng họ khỏi ách chiếm đóng, đồng thời cũng công nhận một nước Israel và bảo đảm chọ họ được sống trong hòa bình”.
Ông nói thêm: “Ai Cập sẵn sàng nắm lấy cơ hội này và tôi tin rằng thế giới A-rập cũng có thiện chí như vậy”.
Ngày 04/6 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chọn Ai Cập để đọc bài diễn văn của mình dành cho thế giới A-rập Hồi giáo và đã được người đồng cấp Ai Cập hưởng ứng, tuy nhiên ông cho biết đang chờ những bước đi mới.
Tổng thống tiền nhiệm George Bush đã dành năm cuối nhiệm kỳ để tái khởi động nỗ lực của các bên nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và đã bị nhiều nước A-rập chỉ trích vì những điều ông làm là quá ít và quá muộn.
Những ưu tiên cho đường biên giới
Từ tháng 01/2009, Nhà Trắng đã đưa ra hồ sơ ưu tiên cho quá trình hòa bình tại Cận Đông và George Mitchell-đặc phái viên của Tổng thống Obama đã tới đây 4 lần để cố gắng nối lại các cuộc đàm phán bị gián đoạn do cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza tháng 12/2008 và tháng 01/2009.
Trong chuyến viếng thăm cuối cùng hôm thứ ba (16/6/2009), đặc phái viên Mỹ đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán trực tiếp có thể sẽ được khởi động vào những tuần tới.
Có nhiều vấn đề vẫn còn gây trở ngại cho việc nối lại các cuộc đàm phán, đặc biệt là vấn đề các khu định cư cho người Do Thái ở Cisjordanie mà Chính phủ Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối phá bỏ cho dù Washington vẫn nhấn mạnh vấn đề này.
Tổng thống Barack Obama coi việc từ bỏ các hoạt động di dân như một điều kiện cần thiết cho việc nối lại các cuộc đàm phán, cũng như vấn đề Israel chấp nhận sự ra đời một Nhà nước Palestine.
Nếu như trong tuần qua lần đầu tiên Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhắc tới giải pháp hai Nhà nước – kèm theo các điều kiện chặt chẽ, thì một lần nữa ông bảo vệ quyền của Israel đối với các khu định cư để tiếp tục “sự phát triển hiển nhiên” của họ.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Moubarak nhận xét: “Việc gia tăng nhanh chóng các khu định cư của Israel đã làm tổn hại nghiêm trọng triển vọng cho một giải pháp hai Nhà nước và cần phải ngừng ngay việc xây dựng trên cũng như việc phong tỏa Dải Gaza”.
Theo ông, các nước A-rập sẽ sẵn sàng cam kết với Israel nếu Nhà nước Do Thái có “bước đi nghiêm túc” đến hòa bình.
Ông nhấn mạnh: “Ưu tiên trước hết là xác định đường biên giới lâu dài của một Nhà nước Palestine có chủ quyền dựa trên cơ sở các đường biên giới năm 1967, bởi điều này sẽ tháo gỡ phần lớn những vấn đề lâu đời, trong đó có các khu định cư, an ninh, nước và thành phố Jérusalem”.
Cuối cùng, Tổng thống Ai Cập khuyến khích các phe nhóm Palestine tiến hành hòa giải, bởi theo ông điều này cần thiết cho việc thành lập một Nhà nước có toàn quyền.
Dưới sự bảo trợ của Cairô, các cuộc đàm phán giữa nhóm Fatah của Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas và các chiến binh Hồi giáo của nhóm Hamas kiểm soát Dải Gaza hiện đang được tiến hành.
Theo AP