Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 27/5/2010 10:40'(GMT+7)

Hiện trạng và xu thế điện hạt nhân trên thế giới

AEC cho rằng năng lượng hạt nhân là nguồn cung cấp năng lượng ổn định và an toàn hơn nhiều với những cố gắng về mặt công nghệ và quản lý hạt nhân sau sự cố Chernobyl. Tính tới cuối năm 2009, toàn thế giời có khoảng 450 nhà máy điện hạt nhân tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất gần 400 GW, tạo ra một nguồn điện đáp ứng 6% nhu cầu năng lượng thế giới và 16% nhu cầu điện thế giới. Ngoài ra, hạt nhân được đánh giá là một nguồn năng lượng hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy, số lượng các quốc gia dự định xây mới nhà máy điện hạt nhân và quan tâm tới năng lượng hạt nhân ngày càng tăng cao. Tính vào thời điểm giữa năm 2009, có khoảng 27 nước đang xây dựng và có kế hoạch xây mới 151 nhà máy điện hạt nhân, với công suất 150 GW, trong đó khoảng 60% là tại châu Á (chủ yếu là tại Trung Quốc và Ấn Độ với 50 dự án). Đến năm 2050, sẽ có thêm 270 nhà máy sẽ được xây dựng tại 37 nước để cung cấp thêm 266 GW (riêng Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Anh chiếm 142 dự án). Mỹ hiện có số lượng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới với hơn 100 nhà máy. Nước này xác định việc sử dụng năng lượng hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng và giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mỹ đã ban hành "Chương trình năng lượng hạt nhân đến năm 2010'' trong một lộ trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân mới từ năm 2010, đồng thời thành lập một chương trình cho vay bảo đảm để giảm bớt nguy cơ rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh điện hạt nhân. Mỹ sẽ tiếp tục chú trọng vào phát triển năng lượng hạt nhân như một chiến lược quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng của Mỹ. Nhờ đó, khoảng 26 dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới đã được Ủy ban Giám sát Nguyên tử Mỹ (NRC) thông qua.

Pháp có tổng số nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai thế giới, với 59 nhà máy, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện trong nước. Tổng thống Pháp N.Sarkozy đã tới Trung Đông, Nam Phi để thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Pháp đã thành lập Cơ quan Hạt nhân Quốc tế Pháp (AFNL) để điều phối các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các quốc gia đang phát triển.

Tổng công suất điện được phát từ các nhà máy điện hạt nhân hiện nay tại Trung Quốc mới vào khoảng 9 GW, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng và đối phó với nạn ô nhiễm không khí, Trung Quốc đã thông báo kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới đưa tổng công suất lên tới 40 GW vào năm 2020 và 160 GW vào năm 2030. Đến đầu năm 2010, Trung Quốc đang xây dựng 11 nhà máy điện hạt nhân và dự kiến sẽ xây dựng thêm 76 nhà máy cho tới năm 2030. Trung Quốc cũng chú trọng tới các hoạt động bảo vệ urani cũng như không cho phép quân đội tái sử dụng urani nhằm tránh nguy cơ rò rỉ nhiên liệu này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng một lò phản ứng thực nghiệm nhanh và một trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ hạt nhân.

Trong khi đó, là nước tiêu thụ năng lượng lớn hàng đầu thế giới nhưng nghèo tài nguyên, Nhật Bản đã xây dựng một chính sách đa dạng các nguồn cung cấp năng lượng đảm bảo an toàn và ổn định, trong đó điện hạt nhân giữ vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng của Tôkiô. Nhật Bản hiện có 54 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 48.847 MW, sản xuất được 1.100 TWh/năm, cung cấp 30% nhu cầu tiêu thụ điện trong nước. Nhật Bản sẽ tiếp tục xây dựng thêm 14 nhà máy điện hạt nhân trước năm 2020 với tổng công suất 19.310 MW với mục tiêu cung cấp 45% lượng điện tiêu thụ trong nước. Nhật Bản đánh giá điện hạt nhân là biện pháp quan trọng nhất trong cam kết giảm 50% lượng khí thải so với hiện nay vào năm 2020. Nhật Bản đang thúc đẩy phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thế hệ mới để thay thế toàn bộ các lò phản ứng nước nhẹ hiện nay vào năm 2030. Ngoài ra. Nhật Bản đang coi điện hạt nhân là một mũi nhọn.xuất khẩu chiến lược ra thế giới cùng với những điều kiện ưu đãi về kinh tế. .

(Nguồn TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất