Thứ Bảy, 28/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 18/5/2010 21:58'(GMT+7)

Kỹ thuật bảo quản thi hài Bác

Phải là người có cái  đầu tốt

Anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ những người gìn giữ và bảo quản thi hài Bác đã lâu chưa?

Tôi làm ở đây từ  năm 1982. Đã gần 30 năm rồi.

Tôi rất thắc mắc về việc tiêu chí để được đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Lăng là  gì?


Hiện nay, người được tuyển vào hàng ngũ chủ yếu là được học và đào tạo trong nước. Yêu cầu bắt buộc và đầu tiên là phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, lý lịch gia đình trong sáng, yêu nước... Cùng với đó là một kết quả học tập tốt. Yêu cầu khả năng thực hành tốt vì vận hành kỹ thuật cho Lăng Bác có rất nhiều hệ thống kỹ thuật. Nói chung, người được tuyển phải là người có cái đầu tốt thì mới có thể phục vụ được nhiệm vụ chính trị đặc biệt này.

Những người được tuyển chủ yếu nằm trong hệ thống các trường quân đội hay tuyển cả ở các trường dân sự?

Chúng tôi ưu tiên tuyển trong các trường quân đội trước. Lĩnh vực nào trong các trường quân đội không được đào tạo thì sẽ tuyển ở trường dân sự. Khi tuyển chúng tôi cũng đều nói rõ lý do tuyển, yêu cầu khắt khe của công việc, những chế độ được hưởng...

Việc tuyển chọn có khó khăn gì không? Tôi muốn hỏi ở góc độ những thanh niên trẻ, có kết quả học tập tốt họ có muốn vào làm việc trong môi trường đó không?

Rất nhiều người muốn vào  đây công tác và đa phần những người đã vào  đây đều cảm thấy tự hào. Họ được làm công việc mà rất nhiều người coi đó là việc làm cao quý. Tuy nhiên, cũng không phải không có khó  khăn khi tuyển. Đã vào đây làm việc là phải tuân thủ theo kỷ luật quân đội. Thu nhập không cao bằng làm ngoài cũng như không thể tranh thủ đi làm thêm. Thời gian làm việc cũng rất đặc thù, khi nhận được lệnh thì dù là bất cứ thời điểm nào cũng phải tuân thủ, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, phép... Đã có một vài trường hợp sau khi vào làm đã xin chuyển vì không chịu được áp lực.

29 ngành nghề

Để đảm bảo cho việc gìn giữ được thi hài Bác như hiện nay cần phải có bao nhiêu ngành nghề, lĩnh vực?

29 ngành nghề tất cả. Từ  nghề mộc, nề, rèn, tiện, nguội cho đến điện lạnh, điện xí nghiệp, tự động hóa... đều có hết. 100% các chi tiết, thiết bị sửa chữa thay thế đều được chúng tôi chủ động gia công và chế tạo. Không có mua đặt hàng bên ngoài.


Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới 2009.

Vận hành kỹ thuật của Lăng Bác là một nhiệm vụ kỹ thuật đặc biệt. Nó không giống với bất cứ đơn vị  nào khác. Nhiệm vụ của chúng tôi không đơn giản là cơ giới, xe cộ, súng pháo... Nó không thuần túy như đảm bảo an toàn trong toàn quân. Đảm bảo vận hành trong Lăng bao gồm rất nhiều ngành nghề như điều hòa, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện đảm bảo 100%...

Vậy chắc hẳn những người làm công tác vận hành kỹ thuật Lăng phải rất giỏi?

Đó là những người giỏi được tuyển chọn kỹ lưỡng ở khắp cả nước. Nhưng do đặc thù của công việc, những chiến sĩ, công nhân, kỹ sư sau khi được tuyển chọn về đứng trong hàng ngũ Bộ Tư lệnh Lăng đều được tổ chức bồi dưỡng đào tạo lại theo các chuyên ngành chuyên sâu, phù hợp với công việc được giao phó. Nhiều cán bộ công nhân viên của chúng tôi là tiến sĩ, thạc sĩ.
 

 Nghiên cứu khoa học phục vụ  giữ gìn thi hài Bác.

Được đào tạo lại? Phải chăng có trường lớp nào đó chuyên dạy về các kỹ thuật để bảo quản thi hài?

Không có. Do đặc thù của công việc thiêng liêng này mà anh em chúng tôi chủ yếu là tự học là chính. Người đi trước truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Thường xuyên trao đổi, nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ  chứ chẳng có trường lớp nào dạy cụ thể những việc chúng tôi đang làm.

Phát huy tính độc lập tự chủ

Theo anh được biết thì trên thế giới hiện nay có nhiều người được gìn giữ và bảo quản thi hài như Bác không?

Như tôi được biết thì  có VI. Lênin và Bác. Cả hai người đều là những bậc vĩ nhân của nhân loại.

Vậy kỹ thuật gìn giữ và bảo quản thi hài Bác và thi hài Lênin có gì khác nhau không?

Đó là bí mật của mỗi quốc gia và không thể biết để so sánh. Mặc dù ban đầu mình đã được Liên Xô (cũ) hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhưng sau khi ta chủ động thì cũng đã có nhiều kỹ thuật tiên tiến được mình thay thế và áp dụng vào.

Như tôi được biết thì trước đây phía Liên Xô (cũ) đã giúp đỡ và hỗ trợ cho chúng ta về việc gìn giữ và bảo quản thi hài Bác. Vậy sau khi Liên Xô sụp  đổ thì điều gì đã xảy ra?

Năm 1991, thể chế chính trị của Liên Xô sụp đổ. Từ 1991 trở về trước, các vật tư, thiết bị, chuyên gia đều được phía Liên Xô viện trợ. Tuy nhiên, ngay từ  trước thời điểm năm 1991 chúng ta đã quán triệt quan điểm độc lập tự chủ. Anh em chúng tôi luôn luôn cố gắng học hỏi để có thể làm chủ công nghệ bất cứ lúc nào nếu có sự cố xảy ra.
 

Cho đến nay thì chúng tôi đã chủ động được 100%, kể cả về thiết bị lẫn kỹ thuật.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, ta đã chủ động tiếp quản được toàn bộ hệ thống kỹ thuật. Đồng thời anh em chúng tôi còn phát huy được tính sáng tạo của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù cũng có những khó khăn hụt hẫng nhưng tập thể đã cố gắng để việc vận hành không bị gián đoạn.

Và cho đến nay thì...?

Cho đến nay thì chúng tôi đã chủ động được 100%, kể cả về thiết bị lẫn kỹ thuật.

Vậy sau sự kiện Liên Xô  tan rã, khó khăn lớn nhất của việc vận hành kỹ thuật bảo vệ thi hài Bác là gì?

Lúc đó, nhiều thiết bị đã cũ và lạc hậu. Vật tư thay thế thì cạn kiệt. Anh em chúng tôi đã phải tự nghiên cứu và thiết kế vật tư thay thế. Các thiết bị kỹ thuật hiện đại hơn đã được đưa vào hệ thống kỹ thuật bảo vệ cho thi hài Bác. Đặc biệt, những nghiên cứu mới được chúng tôi áp dụng tiết kiệm được rất nhiều điện năng, thân thiện với môi trường. Các thiết bị bị giới hạn bởi trình độ khoa học thời điểm trước đó có độc hại với môi trường đều được loại bỏ.

Vâng. Xin cảm ơn anh về những chia sẻ trong công việc cao quý và thiêng liêng của mình. Chúc cho những người lính thầm lặng như  các anh luôn hoàn thành tốt công việc của mình.

Theo Bee

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất