Dù đồng tình cao với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên
Thái Bình Dương (CPTPP) song nhiều đại biểu cũng đề nghị Quốc hội và
Chính phủ cần xây dựng Chương trình hành động để vừa tận dụng được cơ
hội nhưng đồng thời cũng có giải pháp để hóa giải các thách thức.
CPTPP GIÚP NÂNG CAO VỊ THẾ VIỆT NAM
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Hiệp định CPTPP sẽ đem lại
nhiều cơ hội quý giá, từ mở rộng đầu tư, thương mại với ba thị trường
mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, hơn nữa là cơ hội nâng cấp thêm mối quan hệ
cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến
lược quan trọng của Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh đến cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và cơ
hội có thêm việc làm cho người lao động cũng như thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế và nâng cao đời sống của người dân... thông qua các cơ hội này
giúp đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài
thị trường, đảm bảo sự phát triển tự chủ và bền vững trong bối cảnh
kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo
thang.
"Chúng ta cũng kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ hiệp định
này, các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động
lực đồng thời cũng là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và
thúc đẩy cạnh tranh", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh thì
cho rằng, hiệp định CPTPP giúp Việt Nam đẩy nhanh hội nhập quốc tế, thúc
đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách nhanh hơn
và tiến bộ hơn.
Đồng thời, theo ông Trần Hoàng Ngân, Hiệp định bàn sâu đến vấn đề về người lao động,
doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là bảo vệ người yếu thế trong các hoạt động
thương mại, tài chính, đầu tư và trong mua sắm Chính phủ, các thành
phần kinh tế nhỏ, doanh nghiệp nhỏ cũng được tham gia. Có nghĩa là nhiều
đối tượng sẽ có cơ hội tiếp cận tài chính thương mại toàn cầu, đó là
một sự tiến bộ.
"Theo tôi, CPTPP mang tên “toàn diện và tiến bộ”, vì đây là FTA thế hệ
mới, không chỉ bàn về thương mại mà còn nhiều vấn đề khác như: lao động,
môi trường, sở hữu trí tuệ, phòng chống tham nhũng và doanh nghiệp nhà
nước…", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Hiệp định CPTPP, Phó Chủ tịch Quốc hội
Tòng Thị Phóng nêu rõ, việc tham gia CPTPP khẳng định vị thế của Việt
Nam trước tiến trình hội nhập với thế giới và là cơ hội để Việt Nam tăng
khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc
đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác, trước mắt là
hiệp định EVFTA.
Dù vậy, Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại ý kiến của các đại biểu về
việc đảm bảo môi trường kinh doanh và giữ vững chủ quyền quốc gia, đồng
thời đề nghị Chính phủ quan tâm thêm xây dựng Chương trình hành động
nhất là các nội dung liên quan đến các việc làm rõ các thách thức mới
chú ý đến việc nắm chắc thị trường và dự báo các diễn biến có thể xảy
ra.
"Chúng ta cần chú ý tăng cường tuyên truyền đối ngoại và tuyên truyền
với cử tri cả nước để thấy được sự tin cậy của bạn bè cả nước với chúng
ta... để khẳng định chúng ta đủ lực và đủ tâm thế khi tham gia hiệp định
thương mại tự do thế hệ mới như vậy", Phó Chủ tịch quốc hội Tòng Thị
Phóng nhấn mạnh.
CẦN PHÁT HUY NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG
Để hóa giải những thách thức, ý kiến của nhiều đại biểu cũng đề cập sâu
hơn đến các kịch bản để ứng phó với từng giai đoạn cụ thể, nhất là trong
việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ cần có tầm nhìn dài
hạn và tính đến các khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết.
Dẫn bài học từ việc thực thi 10 FTA mà Việt Nam đã ký kết thời gian qua,
đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù các FTA từng hứa hẹn mang lại nhiều
cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự của chúng ta còn khiêm tốn.
Ông Vũ Tiến Lộc đơn cử, riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chúng
ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về các doanh
nghiệp FDI, trong khi đó, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã
tuột khỏi tay người Việt.
"Việc ký kết CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản
lĩnh tầm nhìn xa của Đảng và nhà nước ta vì lợi ích của đất nước, quan
trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế đảm bảo được nâng cao năng
lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể thực hiện thành công
các cơ hội", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Đại biểu đoàn Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng đề nghị trong Chương trình
hành động của Chính phủ cần xây dựng tất cả các phương án để có thể thực
thi hiệp định CPTPP một cách chủ động các cam kết cũng như phải đánh
giá tác động tham vấn các đối tượng có liên quan để nhận diện những cơ
hội và thách thức.
Ông Vũ Tiến Lộc nói thêm, để thực hiện cam kết thuế quan trong hiệp định, Chính phủ
đã dự kiến ban hành Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi nhưng
lại chưa có dự kiến nào về các chính sách cân đối bù đắp các nguồn thu
ngân sách bị thiếu hụt về việc loại bỏ thuế theo cam kết, đơn cử các
biện pháp cắt giảm chi, tăng cường hợp tác công tư, chống gian lận và
chuyển giá...
"Tôi e rằng, nếu không có ngay các dự kiến này thì khi nguồn thu thiếu
hụt thì quốc hội và Chính phủ sẽ hành xử ra sao? liệu chúng ta có phải
dùng các biện pháp tăng phí, tăng thuế, tận thu khiến doanh nghiệp và
người dân bức xúc", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, "Chúng ta không chỉ thực thi hiệp định
một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không
chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm
"dĩ bất biến, ứng vạn biến" vì lợi ích quốc gia, dân tộc".
Đóng góp thêm ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân lại lưu ý đến việc nâng
cao chất lượng của hàng hóa trong nước, theo đó, nhưng sản phẩm xuất
khẩu vào thị trường này phải chất lượng cao và đảm bảo các tiêu chuẩn
khắt khe mà khối CPTPP quy định.
Ông cũng khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ phải xây dựng các kịch bản để
đánh giá các thách thức nhất là việc nhập khẩu vào Việt Nam có thể tăng
rất cao, điều này có thể gia tăng áp lực lên việc giải quyết vấn đề
thâm hụt thương mại của nền kinh tế.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành
phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc tận dụng các lợi thế từ CPTPP chỉ
được phát huy khi năng suất lao động và trình độ phát triển của Việt Nam
đủ cạnh tranh.
"Tôi đề nghị sau khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP thì ngay lập tức
Chính phủ phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài, làm rõ những
mặt chưa được và những thách thức, nói rõ việc doanh nghiệp và người dân
cần phải làm để chúng ta có lợi thế nhất trong việc ký kết này", đại
biểu Nguyễn Việt Dũng nêu ý kiến./.
(Vietnam+)