Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/11/2018 14:22'(GMT+7)

Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Hiệp định TPP-11 dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. (Ảnh: Getty)

Hiệp định TPP-11 dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. (Ảnh: Getty)

CƠ HỘI

Trong thời gian vừa qua, xu thế bảo hộ thương mại xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Số lượng biện pháp bảo hộ thương mại được các nước áp dụng nhiều hơn đáng kể và do vậy tốc độ tăng trưởng thương mại trên quy mô toàn cầu được dự đoán sẽ có sự suy giảm.

Tổ chức Thương mại Thế giới mới đây đã hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới năm 2018 từ 4,4% xuống còn 3,9% và dự kiến sẽ còn thấp hơn nữa trong các năm tới đây khi các chính sách bảo hộ mới bắt đầu có tác dụng. Là một nước có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam dự kiến chịu nhiều tác động của các bất ổn trên quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh phức tạp và khó lường vừa qua, chúng ta đã có các giải pháp kịp thời và phù hợp với diễn biến của tình hình mới. Trong đó, phương án ứng phó chủ đạo là kiên trì thực hiện các chủ trương lớn về hội nhập kinh tế quốc tế đã được nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đặc biệt, kim chỉ nam cho các hành động của ta là trong mọi trường hợp cần “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

CPTPP, thường được gọi là TPP-11, là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước nhưng Mỹ đã rút khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền. Tổng giá trị GDP của 11 nước khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu. Nếu có Mỹ, đây sẽ là khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu. Các nước đã cứu vãn CPTPP với hy vọng nước Mỹ quay trở lại.

Với tư cách là hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” đầu tiên Việt Nam tham gia, CPTPP sẽ là “chứng chỉ” cần thiết để có thể thiết lập quan hệ đối tác thông qua các FTA thế hệ mới với các đối tác kinh tế lớn khác. Hiệp định gồm 30 Chương và 9 Phụ lục điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký các FTA như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư. Về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Do vậy, đây sẽ là tiền đề cho việc thiết lập quan hệ với các đối tác lớn khác trong tương lai. Đơn cử như khi ta tham gia ký kết Hiệp định CPTPP thì EU cũng thúc đẩy hơn việc ký kết và phê chuẩn FTA với Việt Nam do nhiều nội dung của hai hiệp định là tương đương.

Với các căng thẳng đang diễn ra, các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Việc ta có được FTA với tiêu chuẩn cao sẽ giúp sớm tham gia vào các chuỗi cung ứng mới được hình thành này. Chính vì vậy, CPTPP dù chưa có hiệu lực chính thức nhưng nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc v.v.. đã bày tỏ mong muốn tham gia để cùng tận dụng được xu thế này. Việc Việt Nam tham gia CPTPP với tư cách là nhóm nước đầu tiên chắc chắn sẽ giúp chúng ta có chỗ đứng tốt hơn trong thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

CPTPP có các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, v.v.. Do vậy, đây là cơ sở để Việt Nam tiến hành cải cách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, chủ động đối phó với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có các quy định về cải thiện hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu công hay các lĩnh vực mới như thương mại điện tử. Do vậy, Hiệp định sẽ là chất xúc tác cho quá trình cải cách, chuyển đổi cơ cấu và tăng cường hiệu quả của công tác quản lý kinh tế trong thời gian tới đây.

CPTPP giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể. Với các nền kinh tế lớn trong khu vực, CPTPP được coi là một hiệp định FTA có quy mô lớn nhất trong số các hiệp định trong khu vực. Trong số đó, có một số thị trường tương đối lớn ta chưa có FTA như Canada và Mexico. Nhật Bản cũng là thị trường quan trọng và đã cam kết mở cửa cho Việt Nam ở mức cao hơn đáng kể so với các Hiệp định trước đây. Với CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành sẽ được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao ngay khi Hiệp định có hiệu lực: với Australia là trên 93% số dòng thuế (tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, khoảng 2,9 tỷ USD); cam kết cắt giảm thuế ngay của Canada lên đến 94,9% số dòng thuế (tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (khoảng 0,88 tỷ USD); cam kết cắt giảm thuế tốt hơn nhiều của Nhật Bản so với trong Hiệp định FTA song phương giữa 2 nước (như cam kết xóa bỏ ngay 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, khoảng 10,5 tỷ USD)…

Đây cũng là Hiệp định tạo nền tảng để có thêm nhiều nước sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam. Trong thời gian gần đây, vấn đề “kinh tế phi thị trường” đang được sử dụng như là công cụ trong chiến tranh thương mại, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Đơn cử như Hiệp định giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada gần đây đã đưa vào đó điều khoản kinh tế phi thị trường với định nghĩa là các nước chưa có quan hệ thương mại tự do với bất kỳ nước nào ở khu vực Bắc Mỹ. Với việc thiết lập quan hệ thương mại tự do với một số nước Bắc Mỹ trong CPTPP, Việt Nam có cơ hội rất lớn để tránh được các biện pháp bảo hộ mang tính phân biệt đối xử nhắm vào các nền kinh tế phi thị trường.

THÁCH THỨC

Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam, nền kinh tế có trình độ phát triển thấp trong khu vực.

Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, Việt Nam nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của Hiệp định CPTPP cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có thể sẽ cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, v.v.. cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cơ bản những sửa đổi, điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta. Để thực thi CPTPP, ta phải sửa 8 luật và nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành. Đây là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi các nỗ lực to lớn của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới để không chỉ đơn thuần điều chỉnh hệ thống pháp luật mà còn đưa các văn bản này vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cao nhất.

Đến nay đã có 6 nước phê chuẩn Hiệp định CPTPP gồm: Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand và Australia. Với việc có 6 nước phê chuẩn, CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm nay. Brunei, Chile, Malaysia và Peru đang trong quá trình phê chuẩn. Quốc hội Việt Nam đã đưa vào chương trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP trong Kỳ họp thứ 6./.

Lương Hoàng Thái
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất