Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2013), bà
Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam đã dành
cho phóng viên TTXVN cuộc trả lời phỏng vấn về những ngày tháng không thể nào
quên tại Paris 40 năm về trước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Là nữ Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất tại Hội nghị Paris, xin bà cho
biết cảm xúc của mình khi nhận nhiệm vụ thiêng liêng nhưng cũng đầy khó khăn
này?
Bà Nguyễn Thị Bình: Khi được giao nhiệm vụ đi Paris, tôi rất lo
vì biết đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, hơn nữa, bản thân tôi không học
qua trường ngoại giao nào.
Trong thực tế, tham gia một cuộc đàm phán tức là tham gia một cuộc đấu
tranh chính trị không đơn giản, nhưng lúc bấy giờ, tôi nghĩ các đồng chí lãnh
đạo đã cân nhắc khi cử tôi đi làm nhiệm vụ này, chắc chắn các đồng chí đã tin
tưởng và đánh giá tôi có đủ điều kiện cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ, vì
vậy, tôi đã tự tin lao vào công việc, thực tế là tôi đã rất cố gắng.
Chúng tôi và một số cán bộ từ nhiều cơ quan chức năng, được phân công tham
gia hai đoàn đàm phán: đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Chính phủ Cách
mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã hết sức cố gắng và hoàn thành
nhiệm vụ.
-Trước khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, giai đoạn đàm phán
quyết định nhất là thời gian nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Cuộc đàm phán 4 bên ở Paris với mục đích
tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thời gian hội
nghị hơn 4 năm 8 tháng, nhiều lúc rất khó khăn.
Theo tôi, đợt đàm phán có ý nghĩa quyết định nhất diễn ra vào tháng
10/1972. Khi đó phía Mỹ, chính quyền Nixon nghĩ không thể đánh bại chúng ta bằng
quân sự. Vì vậy, họ chấp nhận Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập
lại hòa bình ở Việt Nam” và Dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân
miền Nam Việt Nam” do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra, trong đó chấp nhận rút
quân hoàn toàn khỏi Việt Nam và để vấn đề chính trị của miền Nam Việt Nam cho
các bên của Việt Nam tự giải quyết.
Tuy nhiên, sau đó, chính quyền Nixon đã lật lọng, ngừng đàm phán và tìm
mọi cách để không chấp nhận những yêu cầu của Việt Nam đồng thời gây sức ép để
phía ta sửa đổi một số điều trong dự thảo không có lợi cho Mỹ. Mỹ muốn thực hiện
các ý đồ bằng chiến dịch “Việt Nam hóa chiến tranh,” dùng vũ khí Mỹ nhưng dùng
quân đội miền Nam Việt Nam thay thế quân đội Mỹ để thực hiện thôn tính Việt Nam.
Đỉnh điểm của sự gây sức ép là cuộc không kích bằng B52, tàn phá Hà Nội,
Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc suốt 12 ngày đêm. Nhưng, cuộc không kích của Mỹ
đã thất bại nặng nề không những về mặt quân sự mà còn về chính trị và buộc Mỹ
phải chấp nhận trở lại đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
- Xin bà cho biết, đâu là nhân tố quyết định thành công của Hiệp định
Paris?
Bà Nguyễn Thị Bình: Có thể nói, Hiệp định Paris là kết quả của cả
một cuộc chiến đấu trường kỳ suốt 20 năm của quân và dân ta, từ sau chiến dịch
Điện Biên Phủ, năm 1955 ta đã bắt đầu đấu tranh, đến năm 1959, chúng ta vừa đấu
tranh vũ trang đồng thời kết hợp đấu tranh chính trị. Như vậy, kết quả của hiệp
định là kết quả của cả một cuộc đấu tranh kéo dài.
Cuộc đấu tranh của chúng ta là cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện. Thắng
lợi đây là thắng lợi quân sự, nhưng cũng là thắng lợi về chính trị đồng thời là
thắng lợi về ngoại giao. Nói đến nhân tố quyết định thì phải nói về cả một cuộc
đấu tranh lâu dài và thắng lợi trên các mặt trận để đi đến thúc ép Mỹ ký Hiệp
định Paris.
- Theo bà, từ Hiệp định Paris có thể rút ra những bài học quý báu nào
cho công tác ngoại giao sau này?
Bà Nguyễn Thị Bình: Tôi nghĩ rằng, Hội nghị Paris trải qua hơn
4 năm, nếu nói cho đúng, trước đó chúng ta cũng đã quan tâm đến vấn đề đấu tranh
trên mặt trận dư luận, ngoại giao, nhưng tập trung ở cuộc đàm phán 4 bên ở
Paris. Với nhân dân ta nói chung, đặc biệt là các đồng chí làm công tác ngoại
giao thì tôi nghĩ cuộc đấu tranh ở hội nghị cho chúng ta rất nhiều bài học và
những bài học đó vẫn có giá trị cả ngày nay và mai sau.
Theo tôi, trước hết cuộc đấu tranh của chúng ta rất phức tạp. Tuy là giữa
ta và Mỹ nhưng cũng là mối quan tâm của nhiều nước lớn trên thế giới. Nên bài
học từ Hội nghị trước hết là phải giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, phải
xuất phát từ lợi ích quốc gia, phải biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối
phương ra sao để quyết định từng bước đi và luôn luôn có sự kết hợp giữa chiến
trường và trên mặt trận ngoại giao – đó là bài học về độc lập tự chủ.
Bài học thứ 2 là chúng ta phải hết sức kiên định đối với lập trường
nguyên
tắc và mục tiêu chiến lược của mình, nhưng trong sách lược phải biết mềm
dẻo. Ví
dụ, lúc đầu chúng ta đặt ra mục tiêu trong cuộc đàm phán gồm 2 yêu cầu:
yêu cầu
quân sự là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam. Yêu cầu
thứ 2
là ở miền Nam Việt Nam phải bỏ chính quyền tay sai của Mỹ để nhân dân tự
lựa
chọn chính quyền của mình. Nhưng dựa trên tình hình thực tế, chúng ta đã
tập
trung vào 1 mục tiêu là Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.
Chúng ta
biết nếu Mỹ rút khỏi và chấm dứt sự can thiệp vào miền Nam Việt Nam thì
vấn đề miền Nam Việt Nam ta hoàn toàn có thể giải quyết được.
Bài học lớn nữa là chúng ta biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời
đại. Nghĩa là chúng ta phải trông vào sức mình; về mặt chính trị, quân sự chúng
ta đã hết sức cố gắng để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngoài ra, trong
một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt với đối phương mạnh hơn nhiều lần, chúng
ta đã biết tranh thủ sức mạnh đoàn kết quốc tế. Có thể nói, phong trào đoàn kết
quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta là phong trào đoàn kết
quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Đó chính là sức mạnh to lớn đã góp
phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta./.
TTX