CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020 nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc giàu – đẹp – văn minh; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Có thể khẳng định, đây là cuộc vận động rất lớn, cải biến sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nông thôn và nông dân trong tỉnh, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, mọi người dân cùng vào cuộc.
Vì vậy, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được coi là nhiệm vụ xuyên suốt và đặc biệt quan trọng; trong đó, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và được triển khai theo lộ trình với những nội dung, cách thức cụ thể trong từng giai đoạn nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều phương thức tuyên truyền xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tích cực, chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực lại có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của của các hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều hình thức tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức như hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn về ý nghĩa, tầm quan trọng và các giải pháp thực hiện htành công mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới cho 1.500 lượt đại biểu là báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan tuyên truyền của tỉnh. Nhiều phong trào, các hoạt động sáng tác về chủ đề “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc thi viét về chủ đề nông thôn mới, giao lưu tiếng hát, tọa đàm về xây dựng nông thôn mới đã kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, thực hiện chương trình.
Biên soạn, xuất bản 200.000 tờ gấp, 9 tài liệu tuyên truyền về nông thôn mới phát hành tới đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp nhằm cung cấp thông tin, phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Các cơ quan báo chí trong tỉnh: Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Phúc, tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có gần 14.000 tin, bài, ảnh, phóng sự về các hoạt động, mô hình, điển hình hay, cách làm hay về xây dựng nông thôn mới được đăng tải trên các mục, chuyên trang, chuyên mục. Qua đó, đã tạo sự lan tỏa những kinh nghiệm, những cách làm hay, hiệu quả để các địa phương tham khảo, nghiên cứu, học tập, áp dụng, nhân rộng các mô hình tốt, các phong trào thi đua có hiệu quả.
Đội ngũ cộng tác viên dư luận thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, báo cáo cấp ủy các cấp, có biện pháp xử lý, giải quyết, định hướng dư luận xã hội, góp phần ổn định tình hình, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới như: đẩy mạnh sáng tác, đăng tải các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề xây dựng nông thôn mới, tổ chức các cuộc thi ảnh, tranh cổ động về nông thôn mới, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích… tạo khí thế sôi nổi trong nhân dân.
Ban Dân vận tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng 2.252 mô hình, điển hình “Dân vận khéo trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã biên soạn và phát hành 38 số bản tin tuyên truyền và hệ thống Mặt trận các cấp tập trung tuyên truyền về 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựn nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi Nhà nông đua tài các cấp, hội thi tuyên truyền viên giỏi và xuất bản cuốn đặc san biểu dương các gương nông dân điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới. Liên đoàn lao động tỉnh đã tích cực tuyên truyền về chương trình đến các cấp công đoàn trong tỉnh, tổ chức 75 lớp tập huấn về nông thôn mới và trên 400 lớp lồng ghép nội dung về nông thôn mới cho 61.900 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền chơ hơn 770 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, mở 10 lớp bồi dưỡng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên bản tin Cựu chiến binh với hơn 650 đại biểu tham dự.
Đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã góp phần quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
Công tác tuyên truyền đã góp phần đưa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến với mọi người dân. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, người dân đã nhận thức được rằng, xây dựng nông thôn mới là công việc chính của nông dân với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.
4 BÀI HỌC KINH NGHIEM TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Từ những kết quả đã đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã đối với công tác tuyên truyền, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền, sự thống nhất, đoàn kết trong nhân dân thì ở đó, công tác tuyên truyền được tăng cường, hoạt động nền nếp, hiệu quả.
Thứ hai, công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới. Cần xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, các mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Gắn tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ ba, gắn công tác tuyên truyền với công tác vận động nông dân để nông dân thể hiện vai trò chủ thể trong công tác xây dựng nông thôn mới bằng các hành động cụ thể. Chú trọng việc đổi mới, tăng cường các hình thức tuyên truyền về chương trình bằng các phương thức hiện đại, có sức lan tỏa cao thông qua internet, mạng xã hội, fanpage…
Thứ tư, tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra công tác triển khai tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đạt hiệu quả cao. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp; tập trung nắm bắt, phản ánh và định hướng dư luận xã hội trong triển khai thực hiện chương trình.
Từ nay đến năm 2020, Vĩnh Phúc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện xây dựng các thôn dân cư ở các xã đạt chuẩn thành các thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, có kinh tế phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại; phù hợp với đặc điểm của thôn dân cư; môi trường sinh thái trong lành, thực sự đảm bảo yêu cầu “sáng, xanh, sạch, đẹp”; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên và ngày càng phát triển; an ninh trật tự xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh. Trong đó, 9/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, một trong những nội dung và giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia, đóng góp các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực văn hóa xã hội, cảnh quan môi trường.
Thu Hằng