Chủ Nhật, 24/11/2024
Kiến thức an toàn giao thông
Thứ Ba, 10/4/2018 10:59'(GMT+7)

Hiệu quả mô hình “Camera an toàn giao thông”

Camera được quay từ một góc bí mật ghi lại những hình ảnh vi phạm luật an toàn giao thông của các em học sinh

Camera được quay từ một góc bí mật ghi lại những hình ảnh vi phạm luật an toàn giao thông của các em học sinh

Với mô hình này, Trường THPT Trần Phú đã được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 

Trường THPT Trần Phú nằm ở trung tâm thị trấn, thời điểm tan trường, lượng học sinh tham gia giao thông khá lớn. Trường lại nằm gần Quốc lộ 1, nhiều phương tiện qua lại. Trong khi đó, ý thức của học sinh khi tham gia giao thông còn hạn chế nên dễ xảy ra tai nạn. Năm 2012, Ban Chấp hành Đoàn trường THPT Trần Phú lập Đội thanh niên xung kích và đề xuất nhà trường trang bị một máy Camera có độ phân giải, độ Zoom cao, kinh phí khoảng 10 triệu đồng để thực hiện mô hình “Camera giao thông”. 

Thầy Nguyễn Quốc Toàn, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Phú, chia sẻ về cách hoạt động của mô hình: Mỗi tuần, Đoàn trường sẽ chọn 3 ngày ngẫu nhiên để tiến hành thực hiện mô hình “Camera giao thông”. Mỗi lần có 2 giáo viên và 2 học sinh tiến hành chốt trạm (mỗi buổi 1 trạm khác nhau) sử dụng camera quay các đoạn phim khi phát hiện học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khi có học sinh vi phạm, đội trực sẽ xử lý trực tiếp bằng cách yêu cầu học sinh dừng lại, thông báo lỗi vi phạm rồi nhắc nhở. Nếu phạm lỗi nặng các học sinh sẽ bị tạm thu bảng tên, hôm sau mời học sinh vi phạm lên Văn phòng Đoàn trường và cho xem lại đoạn phim đã quay để phân tích lỗi. Học sinh vi phạm lần đầu sẽ được viết cam kết không tái phạm; nếu phạm lỗi nghiêm trọng và nhiều lần sẽ bị xem xét đến việc xếp loại hạnh kiểm cuối năm. 

Từ khi triển khai mô hình “Camera giao thông”, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh trong trường có sự chuyển biến tích cực, hầu hết các em học sinh đều tuân thủ đúng luật, không có tình trạng đi hàng hai, hàng ba hay đi xe máy, đánh võng, lạng lách trên đường, kể cả khi đi học hay ngoài giờ học. Em Lê Thị Hoàng Anh, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Trần Phú cho biết: Lúc trước, mỗi khi tan trường, học sinh thường tụ tập trước cổng gây ùn tắc hoặc gây mất trật tự giao thông tại nhiều tuyến đường. Từ khi có camera do thầy cô trực ở các chốt đèn thì ý thức của các học sinh đã được nâng lên, các em tự giác đi đúng phần đường, tín hiệu đèn. Em cho rằng đây là mô hình rất hay. 

Đánh giá về mô hình này, anh Nguyễn Văn Minh, phụ huynh học sinh trường THPT Trần Phú cho biết: Thấy nhà trường triển khai mô hình này, phụ huynh rất mừng, vì ngăn chặn được các hành vi học sinh tụ tập, nô đùa ngay dưới lòng lề đường, đi hàng 2, hàng 3…Thứ nhất là giúp các em không vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông; hai là đảm bảo an toàn cho chính các học sinh. Nếu học sinh vi phạm nhà trường báo về cho gia đình, từ đó các bậc phụ huynh biết để giáo dục con tốt hơn. 

Với hiệu quả thiết thực, hiện nay mô hình “Camera giao thông” đã được nhân rộng ra một số trường trong tỉnh Phú Yên./. 

Xuân Triệu/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất