Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 21/3/2009 11:39'(GMT+7)

Hỗ trợ lãi suất giải quyết vốn lưu động cho doanh nghiệp

Thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn

Thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn

Hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy sản xuất, ngăn chặn suy giảm, tạo thêm việc làm

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Minh Tuyên… về lý do tại sao nguồn hỗ trợ 17 nghìn tỷ đồng chỉ dành cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện xuất khẩu mà không dành cho các đối tượng khác, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, trong gói giải pháp kích cầu nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ khác nhau.

Ví dụ, trong kích cầu đầu tư, Chính phủ đã cho phép hoãn, giãn, miễn thuế đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn; trong giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành chức năng hỗ trợ các địa phương và người dân bị thiệt hại do lũ, hay hỗ trợ giảm nghèo cho 61 huyện nghèo trên cả nước…

Tuy nhiên, có một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết là vốn lưu động cho các doanh nghiệp. Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp không còn vốn để duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh. Chính vì vậy, Chính phủ đã lựa chọn phương án hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Phương án dành 17 nghìn tỷ đồng này cho các doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn, sẽ giúp sản xuất lưu thông phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết thêm, khi thảo luận vấn đề này, Chính phủ đã xem xét tất cả các khía cạnh và đảm bảo việc hỗ trợ này không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trước yêu cầu của các đại biểu về việc đánh giá hiệu quả của gói giải pháp kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, gói kích cầu này mới được triển khai nên chưa thể có đánh giá toàn diện. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước báo cáo sáng nay (20/3), hiện các ngân hàng thương mại đã giải ngân được gần 150 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thông báo, điều đáng mừng là tình hình kinh tế trong quý I năm 2009 tương đối khả quan, tăng trưởng GDP 3,1%. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, tại nhiều hội nghị được tổ chức gần đây, nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra những con số tăng trưởng khác nhau, thậm chí còn có ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm.

Bộ trưởng khẳng định, những báo cáo mà các nhà kinh tế đó đưa ra đều dựa trên những số liệu không chính thức, từ nhiều nguồn khác nhau. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thống kê ở hơn 170 nước thì chỉ có 12 nước tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam.

Giải đáp băn khoăn liệu có vấn đề về đảo nợ khi các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất hay không, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Nghị quyết của Chính phủ đã lưu ý đến vấn đề này trong đó cố gắng bảo đảm hiệu quả và giám sát tránh tình trạng đảo nợ.

Năm 2009, Ngân sách Nhà nước tập trung thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nông thôn

Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ nông dân, nông thôn trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ nông dân, nông thôn.

Trong nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản, Chính phủ và các Bộ ngành đã có phương án chuẩn bị đủ giống, vật tư, phân bón để đáp ứng yêu cầu của vụ Đông Xuân; các tổng công ty lương thực liên tục tăng thu mua lúa gạo để hỗ trợ về giá cho nông dân; tạm ứng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề.

Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ cho các địa phương vay từ ngân sách Nhà nước để thực hiện việc kiên cố hóa kênh mương và xây dựng đường giao thông nông thôn khoảng 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân ngăn chặn việc xâm phạm di tích

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 3.018 di tích quốc gia và 5.347 di tích cấp tỉnh.

Theo kết quả kiểm tra, hiện có 228/3.018 di tích xếp hạng quốc gia và 69/5.347 di tích xếp hạng cấp tỉnh bị xâm phạm. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, nguyên nhân chính là do công tác phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến lúng túng trong thực thi và đùn đẩy trách nhiệm xử lý. Hơn nữa, kinh phí giải tỏa nhà dân xâm phạm di tích cũng như việc đầu tư tu bổ di tích còn thấp. Nhiều địa phương hiện cũng chưa có kế hoạch tìm quỹ đất để di dời những nhà dân vi phạm.

Trả lời các đại biểu về giải pháp tháo gỡ vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, trước hết cần phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hóa của các cấp, các ngành và cộng đồng; đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng và địa phương; sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Di sản văn hóa. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, một giải pháp quan trọng, không thể thiếu là phát huy vai trò giám sát của nhân dân để tham gia ngăn chặn, giải quyết xử lý xâm phạm di tích.

Liên quan đến việc hiện nay các cấp chính quyền ở địa phương không quản lý, để hiện tượng hàng quán chèo kéo khách tràn lan trong khu vực đền chùa, gây mất mỹ quan, làm giảm giá trị di tích, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳnh định, sắp tới, Bộ sẽ yêu cầu các Sở, địa phương kiểm tra chặt chẽ hiện tượng này. Nếu đối tượng nào làm sai quy định, tùy tiện mở hàng quán, gây mất ổn định an ninh trật tự sẽ bị dẹp bỏ.

Theo CTTĐTCP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất