Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 20/3/2009 17:17'(GMT+7)

"Nóng" nhất là chất vấn về thực hiện trợ cấp hộ nghèo dịp Tết

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Sắp tới sẽ có số liệu thống kê để báo cáo với Quốc hội. Ảnh: XĐ (VNN)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Sắp tới sẽ có số liệu thống kê để báo cáo với Quốc hội. Ảnh: XĐ (VNN)

Tiền tết cho người nghèo - sai chủ yếu ở tổ chức thực hiện của địa phương

Vụ bớt xén tiền tết của người nghèo vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được nhiều chất vấn về vấn đề trách nhiệm của Bộ cũng với tư cách cơ quan tham mưu, triển khai, giám sát việc thực hiện chủ trương này.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề: Bộ có ưu điểm là tham mưu, nhưng thời gian tham mưu quá gấp gáp, văn bản Chính phủ đưa ra có 10 ngày trước Tết. Mặt khác, trách nhiệm của Bộ là thanh tra, chỉ đạo rà soát hộ nghèo. Bởi vậy, đại biểu Thuyết yêu cầu Bộ xác định rõ trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân diễn giải, chủ trương của Chính phủ là ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Sau khi cân đối, Bộ Lao động và Bộ Tài chính thấy rằng cần trợ cấp cho hộ nghèo, cũng là kích cầu tiêu dùng. "Đúng là chủ trương hỗ trợ người nghèo là gấp, cận Tết, nhưng tôi cho rằng đã giải quyết được nguyện vọng của nhân dân", bà nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn thừa nhận, là cơ quan tham mưu về chính sách này, trách nhiệm của Bộ là rà soát hộ nghèo chưa đúng, kiểm tra chưa thật kịp thời để chấn chỉnh. Tuy nhiên, sai phạm xảy ra trong khâu thực hiện nên theo bà Ngân, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc triển khai này. Bộ trưởng LĐ - TB & XH khẳng định, để xảy ra tình trạng thống kê số hộ nghèo chưa chính xác không phải vì Bộ chưa có hướng dẫn chuẩn nghèo mà vì địa phương xét tùy tiện. Việc xét duyệt tùy tiện đã dẫn đến những sai phạm như chia sai đối tượng, chia đều, kiện cáo... Như vậy, "dù Bộ có tăng cường quản lý, rà soát đến đâu cũng không bằng chính quyền địa phương, HĐND và đoàn ĐBQH từng nơi phải rà soát. Từng xã, từng tỉnh làm nghiêm thì mới có con số đúng".

Chế tài xử lý cũng là nội dung được quan tâm. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận yêu cầu giải trình về việc rà soát, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ làm sai. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, có 10 tỉnh thành, trong đó 3 nơi để xảy ra sai phạm phổ biến nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh.

Riêng tại Hà Tĩnh, có 66/200 xã “mắc lỗi”, trong đó có 23 đơn vị sai tại cấp xã, 208 đơn vị sai do cán bộ thôn. Tuy thế, tổng số tiền sai phạm không lớn, chỉ chiếm 4% nên việc khắc phục khá nhanh chóng.

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Lê Quốc Dung lại đặt vấn đề, việc hỗ trợ người nghèo ăn tết dự kiến ban đầu giải ngân 2.500 tỷ đồng với số đối tượng được hưởng là 2,3 triệu hộ nhưng thực tế số tiền đã phân phát chỉ hơn 17.000 tỷ đồng. Ông Dung băn khoăn, như vậy đã có bao nhiêu hộ nghèo đáng ra được hưởng hỗ trợ bị gạt ra?

Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải, số tiền 2.500 tỷ đồng đề ra ban đầu khi chưa thống kê đích xác số lượng đối tượng được hưởng. Con số này ứng với 2,4 triệu hộ nghèo nhưng theo bản thống kê chi tiết từ địa phương thì chỉ có 2,3 triệu hộ thuộc diện nhận hỗ trợ với số tiền chi gần 1.800 tỷ đồng. Số chênh lệch này, Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim  Ngân khẳng định là hợp lý.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh lý giải: "Việc dự toán 2.500 tỷ cho 2,4 triệu hộ nghèo là căn cứ vào danh sách các tỉnh đưa lên. Nếu trong trường hợp thống kê hộ nghèo chuẩn xác thì chỉ cần đưa tiền xuống. Nhưng do thống kê danh sách hộ nghèo gặp vấn đề nên đưa tiền xuống không còn chuẩn".

Lao động mất việc làm - khó nắm được chính xác con số

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: Hết tháng 1/2009 đã có 85.000 lao động mất việc làm. Dự báo đến cuối năm tổng số lao động mất việc sẽ lên tới 300-400.000 người. Số này tập trung ở nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến gỗ... những đơn vị sử dụng nhiều lao động nhưng lại không chủ động, không có những đơn hàng ổn định. Đối với lao động xuất khẩu, tính đến giữa tháng 3, đã có hơn 6.000 người phải về nước trước hạn, dự kiến cả năm con số này là 10.000. Bộ Lao động và Bộ Tài chính đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành quyết định 30 về việc hỗ trợ lao động mất việc trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi: "Cả nước có 46 triệu lao động, số làm việc trong doanh nghiệp chỉ 9 triệu. Hiện Bộ mới quan tâm tới lao động ở khu vực này, còn lao động ở ngoài doanh nghiệp thì sao? Bộ dự báo thế nào về tình trạng mất việc của lao động ngoài doanh nghiệp và có chính sách gì với họ?".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Ngân thừa nhận, khó nắm được chính xác con số lao động ở những khu vực này vì có sự chuyển dịch lao động. Lao động ở các khu công nghiệp cũng là lao động tự do, không đăng ký, đang làm việc ở khu công nghiệp này, mất việc, về quê nghỉ, sau đó lại đi tìm việc nơi khác. Lao động tự do từ nông thôn cũng vậy. Nếu mất việc, quay về quê, không có việc làm và thu nhập thì đã được xếp vào thành phần hộ nghèo. Bộ trưởng thành thực: “Tôi biết rằng câu trả lời này không làm đại biểu hài lòng nhưng là một thực tế”, Bộ trưởng nói. “Đây là điều trăn trở vì đứng về mặt quản lý, cái lớn nhất là phải nắm được sự chuyển dịch này. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng để có số liệu báo cáo Quốc hội", Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim Ngân hứa.

Chính tình trạng không có cơ sở dữ liệu chung về lao động quốc gia khiến ngay Bộ LĐ - TB & XH cũng không thể xác định nổi tỷ lệ lao động và con số tăng thêm hàng năm trong các thành phần kinh tế khác nhau. Cũng vì thế, theo Bộ trưởng, trong số 300 ngàn người mất việc năm nay, khó lòng thống kê rạch ròi ai tìm được việc làm mới, ai quay về nông thôn. Đưa ra một con số chính xác tỷ lệ lao động thất nghiệp trong từng khu vực kinh tế là rất khó. “Tuy nhiên, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và chương trình phát triển kinh tế cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, Bộ trưởng nói.

Tiếp tục xoáy vào vấn đề việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi: "Mối quan hệ giữa tăng trưởng và chỉ tiêu giải quyết việc làm thế nào? Tại sao GDP giảm mà chỉ tiêu giải quyết việc làm lại tăng?".

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời, theo hệ số co giãn GDP tăng 1% sẽ tạo ra 0,34% việc làm. Việt Nam không dựa hoàn toàn vào hệ số co giãn, mà dựa vào thống kê của từng tỉnh thành, thống kê con số giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế, ví dụ dự án đầu tư, rồi việc dịch chuyển lao động từ nơi này sang nơi khác.

"Ngày 1/7 hằng năm ta có điều tra lao động việc làm để ra một con số, Bộ Lao động không tự nhiên vẽ ra. Năm ngoái, GDP tăng 6,23% thì giải quyết được 1,6 triệu việc làm. Năm nay dự tính 6,5% nên Chính phủ đề xuất và được Quốc hội chấp nhận con số 1,7 triệu. Nếu GDP đạt 5% thì chỉ tạo ra được 1,4 triệu việc làm", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo nêu câu hỏi, với tinh thần khó khăn sẽ tác động tới công ăn việc làm, Bộ trưởng có xin điều chỉnh lại các chỉ tiêu?

Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm ngoái, khi điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ không đề cập điều chỉnh chỉ tiêu việc làm. Năm nay, Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa có ý kiến nhưng Bộ trưởng Ngân cũng cho rằng “nên thực tế”, hiện Bộ vẫn đang cố gắng để duy trì nhưng nếu có thay đổi khó khăn hơn, thì cũng phải tính tới vấn đề cắt giảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng LĐ-TB&XH vẫn nhận định, tình hình hiện không đến mức bi quan, vẫn có nhiều đơn vị, cơ quan đang đăng thông báo tuyển lao động...

Đề cập tới khu vực lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhiều đại biểu đặt vấn đề trách nhiệm của đơn vị quản lý khi người lao động uống rượu, vi phạm pháp luật phổ biến ở nước sở tại. Một lần nữa, nữ Bộ trưởng lại gật đầu với nhận định, đa phần lao động kém ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, vi phạm pháp luật nước sở tại. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây cũng là vấn đề trăn trở của Bộ.

Nêu quan điểm với vấn đề xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên tránh làm tràn lan. Chỉ cần đưa được 80-90 nghìn lao động ra nước ngoài mỗi năm nhưng có việc tốt, mức lương cao hơn thì hiệu quả hơn hẳn việc “xuất ồ ạt”.

(Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất