(TCTG) - Trong 6 tháng đầu năm nay, TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo nghề được 1.059 người trong 6 xã xây dựng nông thôn mới. Trong các năm qua, số lao động học xong nghề và được giải quyết việc làm tại 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ là 1.638 lao động.
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, Thành phố đã xây dựng đề án đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2020 và đào tạo nghề nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 với tổng số lao động là 11.000 người.
UBND Thành phố đã có kế hoạch cụ thể cho thực hiện Đề án trong từng năm và trong 5 năm tới, theo đó sẽ đào tạo nghề để tìm việc làm ổn định cho đa số lao động cư trú tại 58 xã ở 5 huyện ngoại thành.
Hiện nay, các sở ngành chức năng của Thành phố đã khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo từng nhóm đối tượng, để xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp.
Trong 6 tháng đầu năm nay, TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo nghề được 1.059 người trong 6 xã xây dựng nông thôn mới. Trong các năm qua, số lao động học xong nghề và được giải quyết việc làm tại 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ là 1.638 lao động. Tổng số lao động đã được đào tạo từ 2010 đến nay đạt 15.400 người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh: Trong kế hoạch lâu dài, các tỉnh, thành phố trong cả nước phải đảm bảo 100% số huyện có trung tâm dạy nghề và có cán bộ chuyên trách về dạy nghề cho lao động nông thôn; đề nghị TP. Hồ Chí Minh đưa chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn lên các kênh truyền hình địa phương, đồng thời hoàn thiện hệ thống tổ chức dạy nghề đến cấp xã tại các huyện nông thôn của TP. Hồ Chí Minh; cần tổ chức rút kinh nghiệm tại những nơi có mô hình đào tạo nghề có hiệu quả để nhân rộng ra trong cả nước./.
Phạm Bá Nhiễu