Thứ Tư, 16/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 14/3/2009 17:45'(GMT+7)

Hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người nghèo XKLĐ sang Trung Đông

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cùng với nhiều cơ hội mở ra cho việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại một số nước ở Trung Đông, sau chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thành lập nhiều đoàn công tác đi khảo sát, tạo nguồn lao động, đặc biệt là ở những huyện nghèo trong cả nước theo tinh thần của Đề án hỗ trợ đẩy mạnh XKLĐ tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015 do Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong chuyến công tác về các huyện nghèo phía Tây tỉnh Thanh Hóa, đã khẳng định: Gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng đẩy mạnh XKLĐ của Chính phủ cho 61 huyện nghèo sẽ sớm được triển khai.

Mở đường thoát nghèo cho bà con vùng cao

Có lẽ trong 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, thì huyện Quan Sơn gặp nhiều khó khăn hơn cả. Người dân sống dựa vào nghề nông là chủ yếu nhưng diện tích canh tác cũng hạn hẹp. Tỷ lệ đói nghèo ở mức 52,3%. Trong khi số lao động trong độ tuổi có tới 18.700 người, nhưng chỉ một bộ phận có việc làm ổn định. Lực lượng lao động dôi dư, không có công ăn việc làm lớn, nhưng mỗi năm huyện chỉ có từ 100 đến 200 lao động đi XKLĐ.

Ông Diệm, Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn chỉ ra nguyên nhân lớn nhất của tình trạng trên là dân quá nghèo, không có khả năng bỏ ra chi phí ban đầu để học nghề, học tiếng và các loại phí dịch vụ.

Liền kề với Quan Sơn, là huyện Bá Thước với 23 xã, thị trấn, 225 thôn, bản, có lực lượng lao động hùng hậu trên 40.000 người, trong đó chỉ có khoảng 20.000 lao động có việc làm ổn định.

Chủ tịch huyện Lang Chánh Hà Chí Phẩn tâm sự: Đa số lao động trong độ tuổi của Lang Chánh phải đi làm ăn xa. Công việc vất vả, cuộc sống bấp bênh, nhiều cạm bẫy, nhưng họ chưa dám mạnh dạn đi ra nước ngoài làm việc, mà lý do chủ yếu là không đủ khả năng trang trải chi phí ban đầu.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và làm thủ tục đi XKLĐ. Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ cho vay toàn bộ chi phí để lao động hoàn thiện thủ tục xuất cảnh.

Các tỉnh, thành trên cả nước đang khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ lao động mất việc theo Quyết định 30 của Thủ tướng, trong đó 61 huyện nghèo cũng triển khai kế hoạch thoát nghèo nhờ XKLĐ.

Riêng 3 huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa, trong khi chờ triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không Airseco, đã cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, chi phí ăn ở, đi lại cho lao động đến khi xuất cảnh sang làm việc tại Dubai.

Chỉ đưa lao động có nghề, tránh rủi ro cho người lao động

Trong khi thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam đang bị thu hẹp lại, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thì Trung Đông đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động. Nhưng để giữ đúng cam kết với phía đối tác, Bộ LĐ-TB&XH cũng có chủ trương "chọn mặt gửi vàng", chọn doanh nghiệp có uy tín, đào tạo lao động chất lượng để thực hiện đưa lao động đi UAE và Qatar. 

Ông Nguyễn Quang Khai, Đại sứ Việt Nam tại UAE cho biết: UAE, đặc biệt là Dubai vẫn đang rất cần một số lượng lớn lao động nhưng họ cần lao động có tay nghề tốt và được tuyển chọn từ các trung tâm có uy tín. Vừa qua đã có nhiều lao động tay nghề thấp, ý thức tổ chức, kỷ luật kém, ăn trộm, ăn cắp, đánh nhau… đã bị trả về nước.

Chuyến thăm của Thủ tướng đã đạt được kết quả thỏa thuận hết sức quan trọng, việc còn lại là tuyển chọn, đào tạo lao động sang vì ở đây, chủ sử dụng lao động là người quyết định, không ai có thể ép họ nhận lao động không có kỹ năng nghề tốt. Lao động phải được đào tạo và chuẩn bị hết sức chu đáo.

Để phát huy tốt thị trường tiềm năng này, Bộ LĐ-TB&XH cần có sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng chạy theo số lượng, ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam.

2 tháng đầu năm, gần 18.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 12/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Trong tháng 2/2009, cả nước đã đưa được hơn 5.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính chung cả hai tháng đầu năm 2009, đã đưa được gần 18.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Trong đó, thị trường có số lao động đi nhiều nhất là Đài Loan (2.952 người); tiếp đến: Hàn Quốc (2.857); Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE (2.279); Bahrain (2.248); Arab Saudi (1.852); các thị trường khác (3.481). Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong thời gian tới, chắc chắn số lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tăng trở lại, do đẩy mạnh thị trường Trung Đông và các gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai.

 

Thu Uyên (CAND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất