Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 8/2/2014 21:53'(GMT+7)

Hòa Bình: Náo nức các trò chơi dân gian trong hội Xuân

Trò chơi đẩy gậy. (Nguồn: TTXVN)

Trò chơi đẩy gậy. (Nguồn: TTXVN)


Một số trò chơi dân gian như ném còn, gõ Keeng loóng, bắn súng, đánh đu, đánh mảng, đi cà kheo hay đẩy gậy…, không những có tác dụng rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo của người chơi, mà còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng và gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Những trò chơi dân gian ấy đến giờ vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa đặc sắc của dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Chúng tôi đến thăm bản Nà Cụt, xã Nà Mèo, huyện vùng cao Mai Châu (Hòa Bình) trong những ngày đầu Xuân để tận mắt thưởng thức những trò chơi dân gian của người dân tộc Thái.

Bà Hà Thị Phin, một người dân bản, cho biết khi Tết đến Xuân về, cửa rừng đã đóng, trong nhà, ngoài sân không ai được chặt hái, đục đẽo, mà chỉ đi Tết cha, Tết mẹ hoặc chơi hội.

Nói rồi bà xuống sân cùng với các cụ cao niên trong bản gõ những điệu Keeng loóng vui tai.

Keeng loóng là dụng cụ làm bằng gỗ dùng để giã lúa. Keeng là chày, còn loóng là máng, có hình dáng gần giống chiếc thuyền độc mộc dài từ 2-3m, sâu khoảng 50cm, rộng 60 đến 70cm tùy theo thân cây gỗ).

Keeng loóng là lối chơi âm nhạc của người Thái Mai Châu bằng cách dùng chày gỗ gõ vào hai bên thành máng, tạo ra một loại âm thanh độc đáo. Việc chơi Keeng loóng đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển của người phụ nữ trong cách sử dụng chày và máng cối. Những điệu Keeng loóng cổ vui nhộn hòa với tiếng trống, tạo nên không khí phấn chấn ngày hội Xuân.

Trong khi đó, hội chơi ném còn lại thu hút khá đông thanh niên nam nữ trong bản tham gia.

Đây là trò chơi dân gian phổ biến trong những ngày hội đầu năm tại các làng bản của đồng bào dân tộc Thái Mai Châu nói riêng và các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói chung.

Ngay từ những ngày đầu Năm mới, giữa bãi đất rộng bằng phẳng hoặc tại sân vận động, người dân đã trồng những cây còn thật cao, thật đẹp. Cây còn được chọn phải là những cây tre thẳng, già, gióng dài, cao khoảng 20m. Phần ngọn được gắn một vòng tròn có đường kính khoảng 60cm. Tâm vòng tròn được dán giấy dó và tô màu, bên ngoài trang trí bằng giấy diều nhiều màu. Quả còn được quấn lại bằng vải, có các dây tua xung quanh với năm sắc màu.

Mở đầu cho cuộc chơi bao giờ cũng là các cặp đôi nam thanh, nữ tú tung còn với nhau; các chàng trai được quyền tung trước. Khi quả còn được chàng trai bên này tung lên, chui qua vòng tròn trên đầu cây tre, người con gái đứng bên kia bắt được rồi ném trở lại vòng tròn cho người con trai bên này bắt.

Cứ thế, cuộc chơi kéo dài đến hết buổi vẫn không phân nổi thắng thua, bởi họ tung, hứng rất tài tình, khéo léo.

Song, ấn tượng và đặc trưng của trò chơi ném còn là trước đó, các chàng trai đã ngầm chọn sẵn cho mình đối tượng để tung còn. Cô gái Thái nào được chọn, cảm thấy chàng trai tung còn với mình là chàng trai tốt thì đồng ý, chứ không có chuyện gượng ép. Bởi vậy, sau hội tung còn có rất nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.

Những người ưa thích sự tinh mắt nhanh tay thì có thể tham gia trò chơi bắn súng của người Thái. Ở trò chơi này, một quả bưởi sẽ được tung lên mái nhà, khi quả bưởi lăn xuống thì các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm để bắn.

Ai bắn trúng cả ba lần thì người đó thắng cuộc, đoạt giải "Cần han" (người tài giỏi), được thưởng một mâm cỗ đầy xôi, thịt cùng một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc; một số ruộng đất và phong chức Tuần Mường (người đứng đầu an ninh phòng vệ của bản).

Trò chơi đẩy gậy của người Mường thì lại là một trong những trò chơi đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Trò chơi này đòi hỏi người chơi không chỉ có sức mạnh mà còn cần đến sự khéo léo, tính toán trong khi chơi.

Với trò bắn nỏ lại đòi hỏi người chơi phải có quá trình chuẩn bị tốt về nỏ, tên bắn và phải có kỹ thuật điêu luyện thì mới thành công.

Trong khi đó, trò kéo co lại cần đến sức mạnh tập thể với sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt để có thể giành được chiến thắng…

Có thể nói, khi tham gia các trò chơi, giá trị giải thưởng không quan trọng ở mặt vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đó được xem là sự khởi đầu của một Năm mới đầy may mắn, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và đời sống khá giả hơn.

Ngày nay, hòa cùng bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình vẫn luôn coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mà trong đó, các trò chơi dân gian luôn là dòng chảy đầy sức sống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất