Mở đầu là hội vật truyền thống làng Thủ Lễ vào ngày 5/2 (tức mùng 6 Tết Giáp Ngọ) diễn ra tại tại đình làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Năm nay thời tiết thuận lợi nên từ sáng sớm, hàng ngàn người dân và du khách đến tham dự và cổ vũ cho hội vật.
Sau phần nghi lễ tôn nghiêm trong nội điện của đình làng, hội vật chính thức bắt đầu, với khoảng 50 đô vật nam, nữ đủ các lứa tuổi thanh, thiếu niên từ các địa bàn trong huyện và các địa phương lân cận khác đến so tài.
Theo quy định, người thắng cuộc phải vật ngã ngửa đối phương, làm cho lấm lưng trắng bụng và người thua bị loại trực tiếp.
Các tay vật phải hạ liên tiếp ba đối thủ mới được vào vòng bán kết, chung kết.
Cụ Phan Mậu Phiên, năm nay đã ngoài 90 tuổi cho biết: Tuy là cuộc thi để phân định người thắng thua, nhưng hội vật truyền thống làng Thủ Lễ về ý nghĩa là lễ hội truyền thống, nhằm đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện thân thể và ý nguyện cho một năm đầy may mắn thành công.
Hội vật được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tạo một sân chơi hấp dẫn cho người dân trong dịp đầu Xuân năm mới.
Tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc diễn ra Lễ hội Cầu Ngư với các nghi thức trang trọng, trong đó, cúng tế thần biển được người dân coi trọng nhất.
Lễ hội cầu ngư Lăng Cô còn gắn với sự kiện quảng bá Lăng Cô, vịnh biển đẹp của thế giới. Đây cũng là dịp để tất cả cộng đồng dân cư vùng sóng nước cùng nhau chan hòa trong tình làng nghĩa xóm và cũng là dịp để cho những người con xa quê trở về với nguồn cội "ôn cố tri tân".
Kết thúc phần lễ cầu ngư, là lễ hội đua ghe diễn ra trên đầm Lăng Cô. Các đội đến từ các thôn trên địa bàn tham gia qua thể thức đua, cầu mùa màng bội thu; đội lọt vào vòng chính phải đua với chiều dài 6km.
Hàng nghìn du khách và người dân đến xem, cổ vũ nhiệt thành, tạo nên không khí hết sức sôi động cả một vùng sóng nước trong những ngày đầu Xuân.
Cũng trong dịp này, tại Thừa Thiên-Huế còn có các lễ hội cầu ngư ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền và lễ hội cầu ngư của làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang.
Tại các lễ hội này, việc cúng tế thần linh được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm tại bờ biển do các vị bô lão có uy tín của làng tiến hành.
Sau phần nghi lễ là màn múa Náp, hoặc múa Bả Trạo truyền thống, múa lân sư rồng.
Đặc biệt nhất là phần làm trò trên cạn thể hiện lại cảnh đánh bắt và mua bán cá tôm của một làng chài ven biển; hoặc mô tả lại đám rước thần có đầy đủ cờ lọng, nghi trượng, kiệu hoa và các biểu tượng hải sản cá, tôm, mực…, diễu hành từ bờ biển vòng quanh qua các thôn xóm.
Bên cạnh phần lễ, phần hội có hội thi đan lưới, hội thi kéo co, bóng đá, bóng chuyền… tạo nên không khí tưng bừng, phấn khích mừng Xuân năm mới ở khắp nơi./.
(TTXVN)