Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 5/6/2016 21:19'(GMT+7)

Hòa bình Trung Đông vẫn xa vời

Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ phát biểu tại Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông hôm 3/6.

Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ phát biểu tại Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông hôm 3/6.

Dù vậy, các cường quốc tham gia hội nghị, được tổ chức tại Pa-ri (Pháp) hôm 3-6, đã cam kết thúc đẩy gói sáng kiến an ninh và kinh tế trong những tháng tới, để đưa I-xra-en và Pa-le-xtin quay trở lại bàn đàm phán hòa bình.

Hội nghị lần này có sự tham dự của đại diện hơn 20 quốc gia cũng như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn A-rập (AL), tuy nhiên lại thiếu vắng I-xra-en và Pa-le-xtin. Theo giải thích của phía Pháp, họ không mời I-xra-en và Pa-le-xtin bởi Chính quyền Ten A-víp luôn từ chối thỏa hiệp. Hơn nữa, mục đích của hội nghị này là để tạo nền tảng giúp kích hoạt trở lại tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Nền tảng này dựa trên sức ép từ bên ngoài để thúc ép hai bên có liên quan trực tiếp đi tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng giữa họ.

Trong thông cáo đưa ra cuối hội nghị, đại diện của hơn 20 quốc gia, Liên hợp quốc, EU và AL cho biết sẽ tích cực hợp tác để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin, trước cuối năm nay. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hai nhà nước và các cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai bên cần phải dựa trên các nghị quyết hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng gần đây trong khu vực cũng như việc I-xra-en mở rộng khu tái định cư. 

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông, Ngoại trưởng Ai Cập Xa-mét Su-kri (Sameh Shoukry) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cam kết của mình nhằm biến nhà nước Pa-le-xtin trở thành một "thực thể có thực". Ngoại trưởng Ai Cập bày tỏ sự ủng hộ của chính quyền Cai-rô đối với Sáng kiến hòa bình A-rập được đưa ra vào năm 2002, trong đó kêu gọi I-xra-en rút quân khỏi lãnh thổ Pa-le-xtin bị chiếm đóng vào năm 1967, bao gồm khu vực Đông Giê-ru-xa-lem, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với các nước A-rập. Nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập cũng kêu gọi Mỹ, Nga và EU "thúc đẩy tiến trình hòa bình hướng tới một giải pháp" mà theo quan điểm của Ai Cập là giải pháp "toàn diện và công bằng" cho vấn đề Pa-le-xtin. Đây chính là con đường giúp duy trì sự ổn định ở khu vực Trung Đông. Ông Su-kri nói thêm rằng, cộng đồng quốc tế phải thực hiện các "cam kết của mình để đưa nhà nước Pa-le-xtin" trở thành "một thực tại hữu hình" và người Pa-le-xtin và I-xra-en cùng "chung sống một cách hòa bình".

Trong khi phía Pa-le-xtin lên tiếng hoan nghênh hội nghị tại Pháp là một bước đi quan trọng hướng tới hòa bình, thì I-xra-en lại phản đối sáng kiến của Pháp và cho rằng hội nghị chỉ nhằm ủng hộ Pa-le-xtin. Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) mới đây đã tái khẳng định lập trường của nước này về đàm phán trực tiếp với Chính quyền Pa-le-xtin. Truyền thông I-xra-en dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Pháp Giăng Mắc Ây-rôn (Jean-Marc Ayrault), ông Nê-ta-ni-a-hu đã kêu gọi Pháp và các đối tác của Pa-ri khuyến nghị Tổng thống Ma-mút Áp-bát (Mahmud Abbas) chấp nhận lời mời ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp vì điều này sẽ có lợi hơn việc tổ chức một hội nghị hòa bình cấp cao. Ông Nê-ta-ni-a-hu cũng nhấn mạnh rằng sáng kiến hòa bình của Pháp sẽ chỉ khiến Pa-le-xtin có quan điểm cứng rắn hơn và có thể gây tổn hại tới các nỗ lực có tiềm năng thành công trong khu vực.

I-xra-en và Pa-le-xtin đã không tổ chức các cuộc đàm phán kể từ tháng 4-2014, vì vậy Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông tại Pa-ri được kì vọng sẽ giúp hai bên thu hẹp bất đồng. Hội nghị này dựa trên sáng kiến hòa bình của Pháp được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, chính quyền của Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ có thừa quyết tâm để thúc đẩy tiến trình hai nhà nước nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng I-xra-en - Pa-le-xtin. Điều này có thể thấy rõ qua các hoạt động ngoại giao tích cực và sôi động của các quan chức Pháp trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hội nghị lần này lại kết thúc với một tuyên bố khá chung chung khiến dư luận các nước không mấy lạc quan về triển vọng sáng kiến hòa bình của Pháp. Thực tế kết quả này không phải khó đoán khi sáng kiến của Pháp vấp phải sự phản đối của I-xra-en và thiếu vắng sự ủng hộ tích cực của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) từng phát biểu cho rằng, một giải pháp không thể áp đặt từ bên ngoài, I-xra-en và Pa-le-xtin phải trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán với nhau./.

Hà Lan (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất