(TG)- Chiều 27/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
đã có bài phát biểu quan trọng trước các đại biểu quốc tế
tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc
khóa 69. Tạp chí xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này. Đầu đề do Tạp chí đặt
Thưa Ngài Sam Kutesa, Chủ tịch Khóa 69 Đại Hội đồng Liên hợp quốc,
Thưa Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc,
Thưa các Quý vị đại biểu,
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chúc mừng Ngài
Sam Kutesa được bầu làm Chủ tịch Khóa 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc và
tin tưởng rằng với tài năng và kinh nghiệm của mình, Ngài sẽ dẫn dắt
Khóa họp thành công tốt đẹp.
Tôi cũng bày tỏ sự đánh giá cao về những đóng góp quan trọng của Ngài
John William Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 68 và Ngài
Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong thời gian qua.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Khóa họp Đại hội đồng năm nay diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang đứng
trước thềm kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Đây là dịp để chúng
ta nhìn lại hoạt động của Liên hợp quốc trong gần 70 năm qua trong việc
thực hiện sứ mệnh thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia, dân tộc nhằm hướng
tới một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, vì các quyền
và tự do cơ bản của con người.
Đây cũng là dịp để chúng ta cùng trao đổi và đề xuất các phương hướng,
nội dung, biện pháp hợp tác cụ thể cho Chương trình nghị sự về Phát
triển sau 2015.
Khóa họp năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh bức tranh toàn cảnh thế
giới tiếp tục chứng kiến nhiều bước ngoặt, đan xen giữa những mảng sáng
và tối.
Điểm sáng là Liên hợp quốc đang ngày càng đảm nhiệm tốt hơn vai trò
trung tâm trong xây dựng một hệ thống các quy định, chuẩn mực của luật
pháp quốc tế trên nhiều lĩnh vực, qua đó thúc đẩy giải quyết các thách
thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển của tất cả các dân tộc.
Xu thế toàn cầu hóa, hợp tác và liên kết kinh tế ở mọi cấp độ gia tăng
mạnh mẽ, phản ánh xu thế đa tầng nấc. Việc thực hiện các Mục tiêu Phát
triển Thiên niên kỷ (MDGs) trong hơn một thập kỷ qua đã đạt kết quả khả
quan tại hầu hết các khu vực.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sâu sắc rằng, cùng với vận hội, thế giới còn đan xen không ít thách thức và phức tạp.
Xu thế hợp tác vẫn còn những rủi ro trong khi sự hồi phục kinh tế chưa
thật sự bền vững. Hòa bình và an ninh quốc tế vẫn đang đứng trước những
thách thức rất lớn từ mặt trái của sự cạnh tranh, can dự và đặc biệt là
những nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Các cuộc khủng hoảng, xung đột hiện nay tại Trung Đông, tại một số nước
châu Phi đang gây ra những tổn thất lớn về người và vật chất, đồng thời
đe dọa hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, các thách thức toàn cầu, đặc biệt là khủng bố quốc tế, nguy
cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh, an toàn hạt nhân, ô
nhiễm môi trường và cạn kiệt các nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu,
thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước tiếp tục là
các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi phải tăng
cường các nỗ lực chung để ứng phó.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững.
Do đó, nỗ lực phấn đấu tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa
các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung
đột hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, cấp bách và trách nhiệm to lớn của
Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên.
Lịch sử đã chứng minh rằng những con đường dẫn đến chiến tranh và xung
đột đều xuất phát từ học thuyết đã lỗi thời về chính trị cường quyền, từ
tham vọng thống trị và áp đặt, và từ việc đe dọa sử dụng vũ lực để giải
quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp liên quan đến chủ
quyền lãnh thổ.
Chính vì vậy, Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng
bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững. Việt
Nam cho rằng hơn lúc nào hết, các quốc gia thành viên, không phân biệt
lớn-nhỏ, giàu-nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các
nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên
hợp quốc.
Tất cả các quốc gia cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế
và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Đây chính
là bước tiến lớn nhất của Liên hợp quốc so với Hội quốc liên trước đây,
nhưng cũng là điều mà các quốc gia thành viên phải cam kết mạnh mẽ hơn
nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa.
Trên tinh thần đó, Việt Nam mong sớm có tiến bộ thực chất trong thương
lượng về một giải pháp hòa bình toàn diện, công bằng, lâu dài ở Trung
Đông trên cơ sở đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Palestine
và lợi ích chính đáng của tất cả các bên.
Chúng tôi quan ngại trước tình trạng bạo lực gia tăng hiện nay tại Iraq
và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Iraq và cộng đồng quốc tế nhằm ổn định
tình hình tại nước này.
Chúng tôi kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương
chống các nước đang phát triển và ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng
Liên hợp quốc về sự cần thiết phải chấm dứt cấm vận kinh tế đối với
Cuba.
Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, nhất
là hành động khủng bố nhằm vào dân thường và ủng hộ các nỗ lực, sáng
kiến chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc
tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, chúng ta đang chia sẻ nhiều lợi ích chung to lớn, là tái cơ
cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân
bằng, đồng đều và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định tạo thuận lợi cho
phát triển. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta hiện nay là tiếp tục
hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ, xây dựng Chương trình nghị sự
phát triển sau 2015 nhằm tạo xung lực cho phát triển bền vững của từng
quốc gia và liên kết kinh tế quốc tế.
Trong quá trình này, Việt Nam cho rằng Liên hợp quốc cần tăng cường các
chính sách, nguồn lực nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng bất công, bất
bình đẳng xã hội, hỗ trợ mạnh mẽ hơn các chương trình tiểu vùng, khu vực
về kết nối, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc
đẩy kinh tế xanh, để tạo cơ sở lâu dài, bền vững cho hòa bình, an ninh
và phát triển.
Để thích ứng với một thế giới đang vận động không ngừng, Liên hợp quốc
cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ và tiến trình này cần được tiến hành một
cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của
tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.
Hội đồng Bảo an cần sớm được cải tổ đồng thời trên cả hai phương diện là
mở rộng thành viên và đổi mới phương pháp làm việc nhằm đối phó với
những thách thức toàn cầu về hòa bình, an ninh quốc tế.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tham gia và
hội nhập vào đời sống quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, tiếng
nói của các thể chế, diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, đối
với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới.
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn
đàn quan trọng ở khu vực và trên thế giới như ASEAN, Phong trào Không
liên kết, APEC, ASEM.
Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thành tất cả các Mục tiêu phát triển
Thiên niên kỷ đúng thời hạn và đang tích cực tham gia xây dựng chương
trình nghị sự phát triển sau năm 2015.
Chúng tôi kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan
hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên
cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, nghiêm túc thực hiện
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt
được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Chúng tôi ủng hộ tăng cường hệ thống thương mại đa phương, tạo động lực
mới cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng và phát triển ổn định.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung thúc đẩy liên kết kinh tế,
cải cách quản trị kinh tế-thương mại toàn cầu theo hướng công bằng, dân
chủ, minh bạch và hiệu quả.
Hiện nay, Việt Nam đang cùng các quốc gia ASEAN nỗ lực xây dựng Cộng
đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và
văn hóa-xã hội, góp phần làm cho Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa
bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh, thúc đẩy hình thành cấu trúc khu
vực do ASEAN giữ vai trò trung tâm, đề cao sự tôn trọng luật pháp quốc
tế và xây dựng các chuẩn mực chung ở khu vực.
Nhằm chia sẻ nỗ lực quốc tế về thúc đẩy các nguyên tắc, chuẩn mực vì hòa
bình, phát triển bền vững và quyền con người, Việt Nam đang tích cực
phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2014-2016 và lần đầu tiên đã cử lực lượng tham gia Phái bộ gìn giữ hòa
bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Việt Nam hiện đang ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018
và Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và rất mong nhận được sự ủng hộ
của các quốc gia thành viên cho những nỗ lực ứng cử này.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Hòa bình và phát triển là những người bạn đồng hành không thể tách rời,
bổ trợ cho nhau nhằm hướng tới một thế giới phồn vinh. Chúng tôi tin
tưởng rằng bằng quyết tâm chính trị, với sự tin cậy lẫn nhau, bình đẳng
trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hành động chung có trách nhiệm,
chúng ta có thể xây dựng những quan hệ đối tác, phấn đấu vì hòa bình,
hợp tác và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia.
Xin cảm ơn các quý vị./.
(Nguồn: TTXVN)