Thứ Bảy, 27/4/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Sáu, 6/10/2023 10:4'(GMT+7)

Để văn hoá trở thành lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trình diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên tại thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). (Ảnh minh họa)

Trình diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên tại thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). (Ảnh minh họa)

Vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lâu nay đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chẳng hạn như các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu…

Thời gian qua đã xuất hiện các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phối hợp cùng các địa phương có các chương trình, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm gắn với các giá trị văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó hình thành các sản phẩm đặc sắc, khác biệt của bà con. Nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương đã trở thành thế mạnh được tiêu thụ ở các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở địa phương.

Từ năm 2021, vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ nét ở dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, tiểu dự án 2 của dự án này đã đưa ra mục tiêu là hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền và sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, yếu tố giá trị văn hóa các dân tộc đã được thể hiện cụ thể tại dự án 6 trong chương trình này, đó là bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với du lịch. Trong đó đã đề ra phương hướng rất rõ là khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, về văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch lịch sử văn hóa, đẩy mạnh việc phát triển du lịch xanh gắn với việc tôn trọng yếu tố tự nhiên cũng như văn hóa địa phương, vùng dân tộc thiểu số.

Theo Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc, tính đến quý III năm 2023, cả nước đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào. Qua nghiên cứu và tổng hợp một số mô hình chuỗi giá trị đã thành công triển khai trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có thể nêu ra 5 yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của các chuỗi giá trị này, bao gồm: 1) Nội lực của chủ chuỗi giá trị, bao gồm: trình độ học vấn, trải nghiệm thực tế, lòng khát khao cũng như niềm tự hào về cộng đồng và văn hóa tộc người; 2) Tiếp cận kỹ thuật; 3) Khai thác tri thức địa phương qua việc phát triển sản phẩm; 4) Sự kết nối, thể hiện qua chương trình chính sách, qua chuyên gia hoặc khoa học công nghệ; 5) Phát huy truyền thống văn hóa.

Trong yếu tố 5 nêu trên, việc phát huy truyền thống văn hóa được tiếp cận và sử dụng qua hai góc độ. Một là, phát huy văn hóa truyền thống thông qua phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình này hiện đã và đang được áp dụng thành công tại một số nơi, theo đó những ngôi nhà cổ của người dân được dùng làm nơi lưu trú cho khách du lịch; đồng thời du khách sẽ được trải nghiệm về văn hóa, tập quán sinh hoạt, khám phá ẩm thực cũng như chứng kiến các lễ hội văn hóa của đồng bào...; Hai là, phát huy văn hóa truyền thống thông qua marketing. Để tăng tính nhận diện thương hiệu, các nhà sản xuất đã in những hình ảnh về hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc lên bao bì sản phẩm; đặt thương hiệu sản phẩm theo tên gọi của những đặc sản - món ăn truyền thống của đồng bào; hoặc sử dụng, lồng ghép những câu chuyện - giá trị văn hoá đi liền sản phẩm...

Bên cạnh đó, một vấn đề được phát hiện và quan tâm là mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và phát triển chuỗi giá trị. Thông qua việc khai thác giá trị truyền thống, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường; và một khi nhận được sự công nhận của thị trường, những sản phẩm đó sẽ góp phần bảo tồn văn hóa và quảng bá truyền thống văn hóa tốt đẹp. Theo đó rất cần có sự hợp lực từ các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và bà con để có thể vừa lưu giữ giá trị văn hóa, vừa phát triển sản phẩm của bà con.

Việc gắn giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp sản phẩm dễ dàng được tiêu thụ.

Thực tế từ các địa phương cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc đã phát huy hiệu quả. Khi thu nhập tăng cao thì đồng bào sẽ “toàn tâm toàn ý” quay lại làm nhiều hơn nữa các sản phẩm thủ công truyền thống, nhờ vậy nền văn hoá và bản sắc văn hoá được gìn giữ, phục hồi và phát huy, lưu giữ cho thế hệ mai sau…

Quan điểm, định hướng, mục tiêu về việc hỗ trợ phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thể hiện rất nhiều trong các văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, vẫn cần có những định hướng, chính sách phù hợp hơn để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa.

Để văn hóa thực sự thẩm thấu và được tôn vinh thông qua các sản phẩm và chuỗi giá trị hàng hóa, thời gian tới chúng ta cần phải hành động quyết liệt, cụ thể và hiệu quả hơn nữa để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Trước mắt, cần phải tập trung vào một số nội dung như sau:

Một là, cần phải tạo một môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị gồm cơ quan chính quyền, đó là đại diện cho cơ chế, chính sách. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công phải đóng vai trò thúc đẩy, tạo “động lực kéo” cả về mặt hỗ trợ kỹ thuật cũng như các yếu tố khác đối với các doanh nghiệp tham gia vào mô hình chuỗi giá trị. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng dân tộc thiểu số cũng như các chuyên gia phải góp phần vào việc trợ giúp cho việc nghiên cứu, ủng hộ, quảng bá, phát triển sản phẩm, dịch vụ và mở rộng thị trường...

Hai là, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng như hệ thống thông tin tuyên truyền phải nhấn mạnh việc đưa những yếu tố tri thức, giá trị văn hóa truyền thống và sản phẩm; coi đó là một tiêu chí quan trọng cùng với tinh thần cố kết cộng đồng để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần đơn giản hóa về thủ tục. Chú trọng phát triển mạng lưới cộng tác viên ở các địa phương; đặc biệt lưu ý đến chính sách đối với đội ngũ nghệ nhân tại địa phương, vì đây là những nhân chứng sống truyền thụ và lưu giữ văn hóa địa phương đến muôn đời…

Ba là, cùng với quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá theo cả bề rộng lẫn chiều sâu, phải chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa các dân tộc thiểu số, cần tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, về công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với thế hệ trẻ, củng cố niềm tự hào, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn văn hóa và quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với cơ sở.../.

MẠNH DUY




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất