Thứ Sáu, 29/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 28/9/2014 15:23'(GMT+7)

Hóa đơn "khủng" cho cuộc chiến chống IS

Máy bay chiến đấu F-18E Super Hornet của Mỹ được tiếp nhiên liệu trên không sau khi không kích. (Ảnh: AP)

Máy bay chiến đấu F-18E Super Hornet của Mỹ được tiếp nhiên liệu trên không sau khi không kích. (Ảnh: AP)

20 tỷ USD một năm

Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc ước tính, chiến dịch ở I-rắc có thể khiến Mỹ tiêu tốn trung bình 7,5 triệu USD/ngày. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ thừa nhận, con số như vậy là khá thấp và nó được đưa ra trước khi Tổng thống B.Ô-ba-ma (B. Obama) ra lệnh mở rộng chiến dịch sang Xy-ri, khởi động bằng cuộc không kích dữ dội hôm 23-9. Dựa trên quy mô chiến dịch không kích lớn mà Mỹ đang tiến hành ở Xy-ri, một số nhà phân tích ngân sách, các cựu quan chức quốc phòng Mỹ và Tạp chí Foreign Affairs cho rằng, chi phí chiến tranh thường niên có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD.

Trong khi đó, Huffington Post dẫn lời một chuyên gia ngân sách quốc phòng khác nhận định, cuộc chiến của Mỹ ở giai đoạn này có thể tiêu tốn trên 1,5 tỷ USD mỗi tháng. "Tôi ước tính chi phí cho chiến dịch này dễ lên đến khoảng 15 đến 20 tỷ USD một năm", G.A-đam (Gordon Adams), giáo sư từ Đại học Châu Mỹ, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại, cho hay.

Theo Giáo sư G.A-đam, các cuộc không kích là nguyên nhân chủ yếu đẩy chi phí lên cao. Tính riêng đợt oanh tạc đầu tiên ở Xy-ri, Mỹ và đồng minh sử dụng 47 tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu khu trục và điều động hơn 200 cuộc không kích bằng máy bay phản lực. Giá mỗi quả tên lửa Tomahawk lên đến 1,59 triệu USD. Tổng chi phí vào khoảng 74 triệu USD một ngày, chưa bao gồm chi phí triển khai các tàu khu trục. Theo G.A-đam, số tiền để tiến hành các nhiệm vụ này lên đến khoảng 8 tỷ USD một năm. Huấn luyện và trang bị cho lực lượng bộ binh trong khu vực, thuộc Chính phủ I-rắc và tộc người Cuốc, sẽ tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD; đồng thời, việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho phiến quân Xy-ri thân phương Tây tốn thêm khoảng 1 tỷ USD. Số tiền còn lại dùng chi tiêu cho hoạt động duy trì và xây dựng liên minh.

Tuy nhiên, theo R.A-bu-la-phi-a (Richard Aboulafia), nhà phân tích quân sự đến từ Teal Group, phí tổn đáng kể nhất không nằm ở những quả tên lửa hay bom mà từ việc duy trì thời gian bay của phi cơ cũng như hoạt động của các tàu chiến. Một chiếc phi cơ chiến đấu ngốn khoảng 10.000USD mỗi giờ bay. Đặc biệt, chi phí cho chiếc F-22 tối tân, mệnh danh là "chim ăn thịt" trên bầu trời mà Mỹ sử dụng trong ngày đầu không kích Xy-ri, tốn đến 68.000USD. Được coi là “tiết kiệm” như F-18 cũng ngốn tới 24.400USD cho mỗi giờ bay.

Khi được hỏi liệu tiền trong ngân sách quốc phòng có đủ để Mỹ đi đến cùng và đạt mục tiêu "làm suy yếu và tiêu diệt" IS trong khi vẫn duy trì một lực lượng vũ trang hùng hậu không, nhà kinh tế Ơ.Xtiu-ơn (Eugene Steuerle), chuyên gia ngân sách tại Viện Đô thị, cho rằng điều này rất khó. Mỹ sẽ phải đối mặt với quá trình giảm biên chế trong quân đội, cắt đáng kể ngân quỹ cho các chương trình sức khỏe và hưu trí hoặc ngân sách sẽ bị thâm hụt nghiêm trọng...

Không dễ giành thắng lợi

Trong khi Nhà Trắng đang tìm kiếm sự ủng hộ tài chính từ hơn 50 quốc gia đồng ý hỗ trợ chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm đánh bại các tay súng cực đoan IS, thì đài CNN của Mỹ hôm 27-9 lại cho rằng cuộc chiến này khó giành thắng lợi.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự của CNN, đa số các thành viên liên minh chống IS đều hỗ trợ có giới hạn, tức chỉ tham gia không kích IS ở I-rắc, loại trừ không kích ở Xy-ri, vốn đang chìm trong nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, nhiều nước A-rập lại cùng Oa-sinh-tơn tiến hành các cuộc không kích IS ở Xy-ri. Không có nước thành viên nào cam kết gửi bộ binh đến I-rắc để cùng lực lượng nước này chống IS, cũng như điều bộ binh đến Xy-ri. Và những cuộc không kích của liên minh chưa chắc gì ngăn chặn được sự bành trướng của IS, bởi vì các tay súng và thủ lĩnh tổ chức này có thể hòa lẫn vào thường dân để tránh bị không kích. Đó chính là lý do vì sao các quan chức Mỹ và Anh cho biết lực lượng liên minh phải mất nhiều năm mới có thể tiêu diệt IS.

Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 26-9, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng M.Đem-xi (Martin Dempsey), cho biết những cuộc không kích gần đây đã tiêu diệt được những cơ sở chỉ huy và hậu cần của IS ở Xy-ri. Nhưng có một sự thật là hiện vẫn chưa rõ các cuộc không kích có thể tiêu diệt được các thủ lĩnh của IS hay không. Và cũng chưa có chứng cứ cho thấy liệu IS có mất kiểm soát các vùng lãnh thổ mà tổ chức này chiếm được ở I-rắc và Xy-ri sau các cuộc không kích hay không.

Nhà phân tích quân sự của CNN Giêm Ri-xơ (James Reese) cho rằng, các cuộc không kích ở I-rắc phần nào ngăn cản đà tiến của IS đến thủ đô Bát-đa và thị trấn Rắc-qua (Xy-ri), cứ điểm then chốt nằm dưới sự kiểm soát của IS. Nhưng cựu trung tá quân đội Mỹ, đồng thời cũng là một chuyên gia phân tích quân sự khác của CNN, ông Pi-tơ Man-xua (Peter Mansoor), lại cho rằng mặc cho những cuộc không kích, IS vẫn tiếp tục bành trướng và các thủ lĩnh của IS “đang hòa lẫn vào thường dân” để né không kích, bảo toàn tính mạng, tiếp tục điều hành mạng lưới.

Ngoài ra, chiến dịch chống IS cũng khó giành thắng lợi do thiếu sự phối hợp giữa bộ binh I-rắc và lực lượng không quân liên minh, cùng với việc quân đội I-rắc đang trong tình trạng không có lãnh đạo. Còn ở Xy-ri, vấn đề phức tạp hơn vì nước này đang trong tình trạng nội chiến với nhiều phe nhóm nổi dậy nỗ lực lật đổ chính quyền Tổng thống Xy-ri An Át-xát (al-Assad). Trong đó, có một số được Mỹ viện trợ vũ khí để chống lại IS và Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma luôn khẳng định ông Át-xát phải từ chức. Khi không có sự hợp tác giữa Oa-sinh-tơn và lực lượng chính quyền Át-xát trong chiến dịch không kích chống IS ở Xy-ri, chiến dịch chống IS khó mà đạt được thắng lợi./.

(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất