Thứ Tư, 25/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 14/12/2016 16:37'(GMT+7)

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân – người chiến sỹ, nghệ sỹ trên mặt trận văn hoá tư tưởng

Chân dung hoạ sỹ Tô Ngọc Vân (15/12/1906 – 15/12/2016) (ảnh tư liệu)

Chân dung hoạ sỹ Tô Ngọc Vân (15/12/1906 – 15/12/2016) (ảnh tư liệu)

Sáng ngày 14/12, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh hoạ sỹ Tô Ngọc Vân (15/12/1906 – 15/12/2016), một trong những danh hoạ hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ Thuật.

Đến dự lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Bộ VH – TT và DL, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và đông đảo các hoạ sỹ là học trò của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân qua các thế hệ.

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906 tại Hà Nội, quê gốc ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và mất ngày 17/6/1954 tại đèo Lũng Lô, trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1926, Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân vào học khoá II trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926 – 1931). Từ trước Cách mạng Tháng 8-1945, ông đã có 3 tác phẩm hội hoạ nổi tiếng: Ánh mặt trời, Bụi chuối ngoài nắng Trời dịu trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn. Năm 1931 và 1932, ông tham gia triển lãm mỹ thuật tại Paris. Tranh của ông đã được tặng Huy chương Vàng và Bằng danh dự. Cũng trong năm 1932, ông được bầu là hội viên của Hội hoạ sỹ Pháp.

 Thiếu nữ bên hoa huệ, 1943, Sơn dầu

Từ năm 1939 – 1945, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân trở thành giáo sư Hội hoạ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vừa làm công tác giảng dạy, ông vừa sáng tác nhiều tác phẩm hội hoạ nổi tiếng trong thời gian này như: Thiếu nữ bên hoa huệ - sơn dầu, 1943; Buổi trưa – sơn dầu, 1943; Thiếu nữ bên hoa sen – sơn dầu, 1944; Thiếu nữ tựa kỷ,…cùng nhiều bức tranh về thiếu nữ khác bằng chất liệu bút sắt, bút chì, mực nhỏ, màu nước… Các bức vẽ về xứ Đoài, Mông Phụ, Ba Vì, Hà Tây…

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân được Chỉnh phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trao cho trách nhiệm thành lập lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khai giảng ngày 15/11/1945) tại phố Lò Đúc, Hà Nội. Cùng với việc mở trường, ông tham gia sáng tác và triển lãm tranh. Đầu năm 1946, được Hội Văn hoá Cứu quốc giới thiệu, ông cùng hoạ sỹ Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Bắc Bộ phủ vẽ tranh và nặn tượng Bác. Ông đã sáng tác bức tranh sơn dầu “Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ”.

Toàn quốc kháng chiến, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân cũng như nhiều văn nghệ sỹ khác cầm súng thay cây cọ vẽ ra chiến trường lên chiến khu Việt Bắc. Sống trong lòng nhân dân, cùng chung vui buồn với chiến sĩ, người lao động đã giúp ông có cảm hứng sáng tạo trong điều kiện mới.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tô Ngọc Vân đã lên đường ra mặt trận. Ngày 17/6/1954, ông đã hy sinh tại đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông mang theo bên mình đi chiến dịch có nhiều ký hoạ dọc đường, trong đó có bức ký hoạ chì “Đèo Lũng Lô” được vẽ ngày 15/6/1954, có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân là con người tài hoa, có nếp sống thẳng thắn, trung thực, giản dị và dễ mến, có niềm đam mệ sáng tạo và khám phá vươn tới cái đẹp đích thực của Hội hoạ. Cả cuộc đời ông đã dành cho Hội hoạ và Hội hoạ của ông đã đưa ông trở thành một danh hoạ của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại với những tác phẩm sơn dầu, lụa, sơn mài. Ông là một trong những hoạ sỹ đầu tiên tiếp thu nghệ thuật phương Tây một cách sáng tạo, có kế thừa truyền thống dân tộc, để lại nhiều tác phẩm hội hoạ có giá trị nghệ thuật cao.

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân là một hoạ sỹ biếm hoạ nổi tiếng trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 với nhiều sáng tác trên báo Ngày Nay như: Ngày xưa, Gánh củi ở bờ sông Hồng, - 1940; Ý nghĩa của sự tự tử, Nhà bảo trợ súc vật, Toà sen dân quê – 194, Hội đồng thành phố, Một kiểu xe hoa – 1942…
 
 Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ, 1946, sơn dầu

Ông là một nghệ sỹ bậc thầy, uyên bác về học thuật. Cùng với hoạ sỹ Nguyễn Đỗ Cung, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình Mỹ thuật ở Việt Nam. Cùng với sáng tác, ông đa viết nhiều bài báo về mỹ thuật có giá trị đăng trên báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Trung Bắc Chủ Nhật nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật.

Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân còn là một nhà giáo Mỹ thuật xuất sắc. Ông đã tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, góp phần đào tạo nhiều thế hệ hoạ sỹ tài danh đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam sau này. Ông cũng là người hai lần được giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật đó là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công và hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp 1949. Hội sỹ Tô Ngọc Vân đã có nhiều công đào tạo lớp hoạ sỹ trẻ kế cận, ông được nhiều thế hệ học trò tin yêu, mến phục như một bậc thầy tài giỏi, mẫu mực và đức độ.

Với những công lao to lớn trong suốt chiều dài hoạt động nghệ thuật của mình, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân huy chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng áo, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996, ông được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I) cho những nỗ lực đóng góp không biết mệt mỏi của mình…/.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất