Thứ Năm, 21/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 16/10/2024 18:8'(GMT+7)

Hoàn thiện các chuẩn mực hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trên địa bàn vùng Đông Nam bộ

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì Hội thảo.

Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng ta quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định nhiệm vụ “Nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng về phát triển văn hóa. Thực hiện nghị quyết của Đảng, nhiều năm qua các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và các địa phương khác trong cả nước đã bước đầu triển khai thực hiện đạt được một số kết quả.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, cho biết: “Hội thảo là cơ hội để lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ tiếp tục trao đổi, lắng nghe các chuyên gia góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các chuẩn mực hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trên địa bàn vùng Đông Nam bộ”.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Các tham luận gửi đến Hội thảo là các góc nhìn khác nhau về việc triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam tại các địa phương. Tham luận tập trung vào các nội dung: (1). Tình hình triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm từ đây đến năm 2030. (2). Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa và con người Việt Nam tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ phát triển toàn diện trên cơ sở phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại từ nay đến năm 2030 - nhiệm vụ và những giải pháp. (3). Phát triển văn hóa - xã hội nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ phát triển bền vững. (4). Công tác xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp. (5). Nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (6). Công tác chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trên địa bàn các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp. (7). Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người thành phố gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu kết luận Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam bộ”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề rất hay, rất có giá trị, cả lý luận và thực tiễn để từng nơi, từng địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hệ giá trị một quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực của người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó nhiều ý kiến, nhiều bài viết tập trung đi sâu vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cơ bản, giúp từng địa phương, từng nơi nghiên cứu để triển khai thực hiện.

Đối với TPHCM và vùng Đông Nam bộ, hội thảo là cơ hội để các địa phương có thêm những thông tin, những giá trị, những hiểu biết để nâng cao nhận thức để phát triển về văn hóa, xây dựng con người trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang tập trung để thực hiện những đề án, những chiến lược có liên quan đến văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từ đó để văn hóa, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân của TP cũng như cả vùng Đông Nam bộ.

Thống nhất ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phát triển văn hóa và xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam; được xây dựng, kế thừa, phát triển, bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác và được khẳng định qua nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, nhiều ý kiến khẳng định và nhấn mạnh xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là sự nghiệp rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó cũng là mong muốn, khát vọng rất chính đáng, đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn mới. Để thực hiện có kết quả điều này, đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, triển khai một cách đồng bộ, bằng nhiều giải pháp và bằng trách nhiệm cao của hệ thống chính trị, được sự đồng tình, ủng hộ người dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận Hội thảo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận Hội thảo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ ý kiến của các đại biểu và nêu bật những đặc điểm tiêu biểu của vùng đất Đông Nam bộ, trong đó có Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, nơi hội tụ bản sắc văn hóa của nhiều vùng, miền trong cả nước, của 54 dân tộc anh em, nơi giao hòa sắc thái văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới và là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, để triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Vì vậy, phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về xây dựng, hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Đề cập đến việc phải đưa ra những giải pháp thiết thực hơn để thực hiện các nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, hiện nay chúng ta đã và đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; và Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ vùng đất này. Người là một nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO công nhận, một Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Người là một lãnh đạo thiên tài của Đảng ta… Bác là tấm gương sáng để từ đó chúng ta cần phải học tập về văn hóa, ứng xử, đạo đức, phong cách của Bác để cống hiến cho Tổ quốc một cách xứng đáng.

Đối với chăm lo xây dựng môi trường đời sống văn hóa, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, trước hết là xây dựng môi trường văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị, để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức luôn giữ gìn phẩm hạnh của mình, sống trung thực, chân thành; làm việc liêm chính, luôn ý thức giữ gìn nhân cách, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì dân tộc, đất nước. Cùng với đó là phải chống lại những thói hư tật xấu, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, nhất là quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của đời sống của nhân dân.

Cùng với đó là xây dựng môi trường văn hóa của doanh nghiệp, văn hóa trong nếp sống, lối sống trong khu dân cư, cơ quan, đơn vị, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo,…; văn hóa, lễ hội; đề cao thuần phong mỹ tục, những giá trị chân - thiện - mỹ, để lối sống chúng ta càng chan hòa, nhân ái, đúng nghĩa là TP nghĩa tình, bao dung, nói lời hay, làm việc tốt; tôn trọng và tôn vinh những giá trị, những tấm gương thầm lặng mà cao cả, những người tốt, việc tử tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý đến việc tăng cường quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực để phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa truyền thống, đi đôi với nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao,… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của nhân dân.

Nhấn mạnh đến việc tập trung giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam, triển khai cụ thể hóa Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng trong thời đại công nghiệp hóa, hệ giá trị gia đình có những thay đổi nhưng cần bám sát giá trị chân - thiện - mỹ, cốt cách tốt đẹp, nhân cách, lẽ sống để xây dựng nhân cách, đạo đức, những giá trị trong từng gia đình để góp phần cho xã hội phát triển.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất