Thứ Hai, 7/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 4/5/2024 15:16'(GMT+7)

Hoàn thiện hành lang pháp lý trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử

Toàn cảnh Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. (Ảnh: Duy Linh)

Toàn cảnh Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. (Ảnh: Duy Linh)

Phiên giải trình do Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức nhằm mục đích công khai, minh bạch trước đồng bào, cử tri về nhận diện tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; thực trạng tình hình việc mua bán, sử dụng, xử lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Qua đó, tìm sự thống nhất về các giải pháp nâng cao nhận thức, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Phát biểu tại phiên giải trình, đại biểu Trần Thị Vân (Ủy viên Ủy ban Xã hội) nêu câu hỏi: Bộ Công Thương đã nghiên cứu kỹ tác động của đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử hay chưa và người dân, Nhà nước được hưởng lợi gì từ đề xuất này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong băn khoăn vì hành lang pháp lý chưa có trong khi thuốc lá điện tử đang tác động rất lớn đến xã hội; việc buông lỏng quản lý, trách nhiệm thuộc về ai. Ông Đặng Thuần Phong cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương đưa ra căn cứ của việc cấm hay hợp pháp hóa cho kinh doanh thuốc lá điện tử.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị làm rõ tính "được - mất" giữa lợi ích về mặt kinh tế nếu kinh doanh thuốc lá điện tử đem lại và cái hại về chi phí bỏ ra để chăm sóc sức khỏe.

Giải trình về trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về thuốc lá điện tử, Bộ đã triển khai nhiều công việc để tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước, từ việc điều tra nắm bắt tình hình, nghiên cứu thực trạng trên thế giới, phối hợp xây dựng báo cáo để trình Chính phủ... Bộ Y tế cũng tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung tình hình thực tiễn, cập nhật và có giải pháp với những vấn đề mới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc xây dựng Luật không phải một sớm một chiều, cứ xuất hiện trên thị trường là điều chỉnh được ngay mà cần bằng chứng, đánh giá tác động. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì phải cấm, không thể “quản lý” rồi lại đưa ra thị trường. Với thuốc lá truyền thống thì mỗi năm có khoảng 40.000 người chết. "Vậy với trào lưu mới về thuốc lá điện tử, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thí điểm hay không? Nếu mở ra rồi mà không dừng lại được, lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân Việt Nam?”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với học sinh, sinh viên - đối tượng mà Bộ chịu trách nhiệm quản lý. Theo Thứ trưởng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên mà còn là nguyên nhân dẫn đến lệch chuẩn về lối sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội. Quan điểm của Bộ luôn nhất quán là phải cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bày tỏ nhất trí quan điểm phải bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, Bộ Công Thương soạn thảo các văn bản, nghị định theo hướng làm sao để quản lý xã hội tốt nhất, và việc đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử cũng nhằm mục tiêu “quản lý tốt hơn”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, khi xây dựng chính sách về nội dung này đã gửi xin ý kiến, tất cả các Bộ nhất trí; tuy nhiên, Bộ Y tế không đồng ý. Chính phủ yêu cầu hai Bộ ngồi lại để thống nhất với nhau nhưng đến nay, hai Bộ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và chưa thể trình phương án cuối cùng lên Chính phủ.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.

Phan Phương (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất